Mối lo về biến chủng virus mới
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/12 khiến dư luận bị sốc khi nói rằng tình hình lây lan dịch bệnh tại nước này đang “vượt tầm kiểm soát” do sự xuất hiện của một của biến chủng mới SARS-CoV-2. Chủng này có tên gọi VUI-202012/01, có thể xuất hiện lần đầu tiên ở London hoặc Kent, một hạt nằm ở vùng đông nam London từ hồi tháng 9.
Theo giới chức y tế Anh, chủng mới có liên quan đến hơn 50% số ca nhiễm mới ở London và vùng đông nam England. Đây là lý do giải thích tại sao số ca lây nhiễm tại Anh tăng chóng mặt trong một, hai tuần trở lại đây, buộc nhà chức trách phải áp đặt phong tỏa ở London và đông nam England bằng các biện pháp hạn chế ở mức độ 4 (Tier 4). Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, VUI-202012/01 được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn 70% so với các chủng cũ.
Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp hơn, khi ông Hancock ngày 23/12 cho biết đã ghi nhận một biến thể mới thứ hai của virus SARS-CoV-2 trên hai bệnh nhân có tiếp xúc với những người vừa trở về từ Nam Phi. Biến thể mới được cho là xuất phát từ Nam Phi thậm chí có khả năng lây lan cao hơn so với VUI-202012/01 và dường như đã biến đổi nhiều hơn.
Biến chủng mới đã lan ra thế giới. Tính thời điểm hiện nay, đã có hơn 10 nước ghi nhận có ca mắc biến thể virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện ở Anh, trong đó tập trung chủ yếu tại châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch). Ngoài ra, Israel, Nhật Bản, Australia, Singapore, Hong Kong/Trung Quốc cũng ghi nhận các trường hợp nhiễm VUI-202012/01. Đa phần ca những ca mắc mới này đều có lịch sử đi lại ở Anh.
Trước diễn biến mới này, nhiều nước đã quyết định tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Anh. Tính đến nay, đã có hơn 65 quốc gia đã áp dụng hạn chế đi lại với Anh, ở quy mô, cấp độ, thời hạn hiệu lực khác nhau. Các quốc gia đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất là các nước thuộc EU. Đức đã cấm tất cả các du khách tới từ Anh đến ngày 6/1/2021. Ireland cấm các chuyến bay từ Anh đến ngày 31/12.
Tăng cường biện pháp phòng dịch trong nội bộ từng nước được coi là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đà lây lan của biến thể mới virus. Người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 26/12 khẳng định, biến thể này có khả năng lây lan mạnh ở các nhóm tuổi trẻ hơn. Điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay là cần phải củng cố các biện pháp vệ hiện hữu như tuân thủ giãn cách, đeo khẩu trang, vệ sinh trong khi trong khi chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra những câu trả lời thỏa đáng về biến thể mới.
Anh - EU đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Sau vòng đàm phán marathon kéo dài gần 11 tiếng, Anh và EU sáng ngày 25/12 cuối cùng đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, tránh được kịch bản xấu Brexit không thỏa thuận như nhiều người từng lo ngại trước đó.
Đây được xem là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực đàm phán, đối thoại của hai bên trong suốt gần 10 tháng qua, ngay trước thời điểm giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ hết hiệu lực vào nửa đêm ngày 31/12. Đó là lý do cả Anh và EU đều vui mừng khi tìm được tiếng nói chung vào phút chót. Phát biểu tại cuộc họp báo ở London, Thủ tướng Boris Johnson nói rằng thỏa thỏa thuận thương mại hậu Brexit mang lại sự ổn định và chắc chắn mới. Ông khẳng định Anh sẽ là bạn, là đồng minh, người ủng hộ của EU và không bao giờ lãng quên EU là thị trường số một.
Về phần mình, giới lãnh đạo EU cũng ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được với Anh. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen xem đây là thỏa thuận công bằng, đúng đắn và đánh giá cao việc hai bên đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm; khẳng định châu Âu tiếp tục hợp tác với Anh – đối tác tin cậy của EU, trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi thỏa thuận Brexit được ký kết giữa EU và Anh là một "kết cục tốt", có tầm quan trọng lịch sử; tuyên bố Anh sẽ vẫn là một đối tác quan trọng đối với Đức và EU khi đã rời khỏi khối này.
Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020, nhưng vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của EU cho đến cuối năm 2020 để tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai, nhất là về thương mại. Nỗ lực đàm phán bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 3 năm nay. Hai bên từng trải qua nhiều vòng đối thoại căng thẳng, với nhiều tranh cãi gay gắt về vấn đề liên quan đến hạn ngạch đánh bắt hải sản trong vùng biển của Anh, chủ quyền, cũng như các điều khoản về cạnh tranh…
Về công việc tiếp theo, Ủy ban châu Âu sẽ gửi văn bản thỏa thuận tới các nước thành viên EU. Trưởng đoàn đàm phán Brexit Michel Barnier hôm 25/12 đã thông báo cho các đại sứ EU về nội dung thỏa thuận. Giới chức ngoại giao sẽ có 2-3 ngày xem xét, đánh giá và đi tới thống nhất. Từng nước thành viên sau đó sẽ phải thông qua kết quả đàm phán Brexit và điều khoản thực thi thỏa thuận thương mại hậu Brexit, sau đó gửi lên để Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn toàn diện.
Quốc hội Anh cũng sẽ phải tạm dừng các kỳ nghỉ cuối năm để bỏ phiếu về thỏa thuận này trước thời điểm kết thúc ngày 31/12. Nếu được ký kết, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1, Anh sẽ không còn là thành viên của thị trường chung và liên minh thuế quan EU kể từ thời điểm này.