Tình yêu xoa dịu nỗi đau
Người dân New Zealand lúc này đang phản ứng với thảm kịch bằng sự bình tĩnh đáng nể và lòng trắc ẩn của nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern truyền cho họ.
Chỉ một ngày sau vụ xả súng đẫm máu nhằm vào hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch, nữ Thủ tướng Ardern tới thăm hai thánh đường, chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân và động viên các thành viên cộng đồng Hồi giáo.
Mặc trang phục truyền thống màu đen và đội khăn “jihab” kiểu Hồi giáo, nữ lãnh đạo xúc động khẳng định người Hồi giáo là một phần quan trọng của đất nước New Zealand. “Họ là những người cần được yêu thương. Họ cũng là những người New Zealand”, Thủ tướng Ardern phát biểu về các nạn nhân trong một buổi họp báo ngày 10/3.
Hành động của bà thể hiện sự tôn trọng và đồng cảm với cộng đồng người Hồi giáo. “Việc nữ Thủ tướng đội khăn trùm đầu có ý nghĩa lớn với chúng tôi”, Dalia Mohamed có người thân thiệt mạng trong vụ xả súng chia sẻ.
Bà cũng cam kết trả toàn bộ chi phí tổ chức lễ tang cho những nạn nhân thiệt mạng, cũng như khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho những người sống sót sau vụ xả súng Chirstchurch. “Các bạn có thể thấy rõ sự tận tâm và cởi mở của chính quyền New Zealand trong cách đối xử với công dân Hồi giáo”, Robert McCaw, Giám đốc nội chính cho Hội đồng quan hệ Mỹ-Hồi giáo, nhận xét với báo HuffPost.
Không chỉ vậy, nhà lãnh đạo New Zealand còn truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu thương thay vì nhấn mạnh vào nỗi sợ hãi hay sự oán hận. Bà không ném những lời nhục mạ vào hung thủ xả súng người Australia Brenton Tarant, và cũng lên tiếng nói xấu quê hương của tay súng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng cực đoan này.
Thay vào đó, bà khuyến khích dư luận đẩy danh tính hung thủ xả súng vào quên lãng. “Tôi nhất trí rằng đây là một việc mà chúng ta cần phải biết, và làm mọi thứ có thể để ngăn không cho đối tượng này đạt được sự nổi tiếng mà hắn mong muốn… Có một điều mà tôi có thể đảm bảo – các bạn sẽ không nghe tôi nhắc đến tên hắn thêm lần nào nữa”, Đài Sputnik dẫn bài phát biểu của Thủ tướng New Zealand trước quốc hội ngày 18/3.
Trong một động thái giải quyết những lỗ hổng còn tồn đọng trong luật sở hữu súng đạn tại New Zealand, ngày 21/3, nữ Thủ tướng Ardern tuyên bố quốc gia này đã ban hành lệnh cấm súng trường tấn công, súng bán tự động kiểu quân dụng và băng đạn mở rộng, tương tự loại vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công hôm 15/3. Luật mới được cho là sẽ có hiệu lực từ 11/4 và chương trình thu hồi vũ khí bị cấm cũng sớm được triển khai.
Được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo thế hệ mới – biểu tượng cho sự yêu thương và đồng cảm, người dân New Zealand cũng hết lòng tìm cách bù đắp nỗi mất mát cho cộng đồng người Hồi giáo tại đây.
Ngày 22/3, hàng trăm người đã cùng có mặt bên ngoài một Thánh đường Hồi giáo ở Wellington. Họ cùng nhau khoác chặt tay, tạo thành một “bức tường sống” như một hành động biểu tượng thể hiện sự bảo vệ đối với cộng đồng Hồi giáo. Các thành viên của Mongrel Mob – băng đảng khét tiếng nhất New Zealand – đã đứng ra canh gác bảo vệ một nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand khi diễn ra buổi cầu nguyện đầu tiên kể từ vụ thảm sát. Thành viên của các băng đảng đường phố khác tại New Zealand như Black Power, Hells Angels và King Cobras cũng tham gia các hoạt động tưởng niệm nạn nhân và bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Hồi giáo trong tuần này.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ nữ lãnh đạo, người dân New Zealand cũng bắt đầu giao nộp vũ khí cho cảnh sát. Tính đến tối 20/3, ít nhất 37 khẩu súng đã được giao nộp cho cảnh sát trên toàn quốc. Một trong những người dân đã giao nộp súng, ông John Hart – chủ một trang trại cừu và bò tại Masterton – chia sẻ: “Mặc dù súng đôi lúc cũng có ích, song nó quá nguy hiểm khi người ta sử dụng nó như một loại vũ khí… Chúng tôi vẫn sẽ làm tốt nếu không có vũ khí bán tự động. Đây mới chỉ là sự khởi đầu”.
Anh và “cơ hội cuối cùng”
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/3 cảnh báo Anh đang đứng trước cơ hội cuối cùng để có thể rời khỏi EU một cách êm thấm.
Phát biểu với báo giới sau 7 giờ căng thẳng trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU - với chương trình nghị sự chủ yếu bàn về tiến trình Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit), Thủ tướng Bỉ Charles Michel nêu rõ: "Đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để nước Anh bày tỏ họ muốn gì cho tương lai. Hơn bao giờ hết, điều này nằm trong tay Hạ viện Anh".
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết Thủ tướng May đã nhất trí với kế hoạch của khối này về lùi thời điểm Brexit tới ngày 22/5 trong trường hợp Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận "ly hôn" vào tuần tới. Nếu các nghị sĩ một lần nữa bác bỏ văn kiện này trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba, EU cho biết Anh phải đề xuất một kế hoạch mới trước ngày 12/4. Điều này đồng nghĩa tiến trình Brexit tiếp tục bị trì hoãn hoặc kết thúc mà không có một thỏa thuận. Thủ tướng May từng nói rằng bà không muốn kéo dài thời hạn Brexit bởi điều này khiến Anh sẽ tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Có thể nói các cuộc mặc cả giữa London và Brussels đang diễn ra ngày càng gay cấn trong thế giằng co. Đề xuất của EU đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy quan điểm của họ đã mềm dẻo hơn. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, quyết định này bỏ ngỏ tất cả mọi lựa chọn cho Anh.
Tiến trình nước Anh rời EU ngày càng diễn biến phức tạp, cuối tuần này, hơn 1 triệu người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô London để yêu cầu nhà chức trách Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit. Cuộc tuần hành lần này được xếp vào hàng những cuộc biểu tình lớn nhất tại thủ đô London kể từ khi diễn ra cuộc biểu tình “Stop the War” (Chấm dứt Chiến tranh) năm 2003.
Cuộc “săn phù thủy” nước Mỹ hoàn tất
Sau 2 năm điều tra Tổng thống Mỹ Donald Trump liệu có “cấu kết” với Nga trong cuộc bầu cử 2016, Công tố viên đặc biệt Robert Muller ngày 22/3 đã hoàn tất báo cáo cuối cùng và chuyển cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr.
Hiện nội dung báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn đang được giữ bí mật. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cho hay, ông sẽ tham vấn với Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và ông Robert Mueller để xác định thông tin bổ sung nào từ báo cáo có thể được công bố trước Quốc hội và công chúng.
Đồn thổi những thông tin chính trong báo cáo kết luận sẽ được công bố sớm nhất vào tối 23/3 (giờ địa phương). Tuy nhiên, nhiều khả năng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chỉ công bố một bản tóm tắt các kết quả điều tra của ông Mueller, chứ không công bố toàn văn.
Tờ Bloomberg dẫn nguồn quan chức giấu tên đưa tin Công tố viên đặc biệt Mueller không đưa ra bất kỳ cáo trạng cuối cùng nào trước khi nộp báo cáo cho Bộ Tư pháp và không có bản cáo trạng niêm phong nào đang chờ xử lý. Điều này là dấu hiệu cho thấy khó có khả năng Tổng thống Trump đối mặt với cáo buộc hình sự liên quan đến cuộc điều tra.
Cho đến giờ, công tố viên đặc biệt này đã đưa ra cáo buộc chống lại 34 người và 3 công ty. Trong đó, một số cựu phụ tá của ông Trump đã bị kết án tù, như cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và cựu luật sư cá nhân Michael Cohen.
Nhà Trắng cũng thông báo về vụ việc trên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: "Các bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào Bộ trưởng Barr. Tới lúc này, chúng tôi không nhận và cũng không được thông báo gì về nội dung trong báo cáo điều tra của công tố viên đặc biệt".
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần nói rằng cuộc điều tra của cố vấn đặc biệt Mueller là “cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ”.