Quan hệ Nga-Mỹ có bước chuyển tích cực
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/2 cho biết, Washington đã đồng ý gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), vốn hết hạn ngày 5/2/2021. Quyết định này chính thức làm sống lại hy vọng tưởng như đã tắt về hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, sau những bước đi chần chừ của Tổng thống Donald Trump ở thời điểm cuối nhiệm kỳ. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin ngày 29/1 đã ký luật gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước New START, sau khi luật này được lưỡng viện Quốc hội Nga thông qua hôm 27/1.
Việc gia hạn lần này bảo đảm hai bên có những giới hạn có thể kiểm chứng được đối với các tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và các máy bay ném bom hạng nặng của đối phương đến ngày 5/2/2026. New START hết hạn vào ngày 5/2. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành điện đàm với ông Putin và đạt được thỏa thuận nguyên tắc về gia hạn Hiệp ước, bảo đảm cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu lực.
Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã lên tiếng hoan nghênh bước đi này của hai cường quốc hạt nhân. Phát biểu với báo giới ngày 3/2, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, cho rằng việc gia hạn hiệp ước New START là bước khởi đầu để thế giới củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Ông cho biết, LHQ mong muốn trong 5 năm sắp tới Nga và Mỹ sẽ đàm phán để cắt giảm hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của hai nước, đồng thời đạt được những thỏa thuận mới để có thể giải quyết những thách thức mới nổi trong vấn đề vũ khí hạt nhân và đảm bảo thế giới có thể sống trong hòa bình.
Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn dành cho thỏa thuận gia hạn Hiệp ước. Thông báo của NATO nêu rõ: “Các đồng minh NATO tin rằng New START sẽ đóng góp vào sự ổn định quốc tế và các quốc gia thành viên một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước, cũng như những cuộc đối thoại tích cực và sớm về các biện pháp cải thiện ổn định chiến lược”.
Hai cường quốc khác là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đánh giá cao quyết định của Nga và Mỹ. Đại sứ Trung Quốc về vấn đề giải trừ vũ khí Li Song cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Nga là lựa chọn quan trọng, đúng đắn, mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 4/2 ra thông cáo hoan nghênh Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước New START, hy vọng rằng bước đi này sẽ thúc đẩy đối thoại và hợp tác để giúp giải quyết các vấn đề quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị.
Bất ổn chính trị tại Myanmar
Myanmar vừa trải qua một tuần biến động chính trị, khi Quân đội Myanmar ngày 1/2 ra tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong thời hạn một năm. Quân đội trước đó cũng đã tiến hành bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao của đảng cầm quyền Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cầm quyền (NLD) như Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và kế hoạch Soe Nyunt Lwin…
Quân đội cho biết, quyền điều hành đất nước sẽ được chuyển giao cho Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Trong thời gian chuyển tiếp này, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ được xem xét lại.
Chính quyền quân đội ngay sau đó đã bộ nhiệm một số bộ trưởng mới, tiến hành cuộc họp đầu tiên tại Phủ Tổng thống Myanmar hôm 2/2, với sự hiện diện của tướng Min Aung Hlaing, quyền Tổng thống U Myint Swe và 9 bộ trưởng mới được bổ nhiệm. Tại cuộc họp, ông Min Aung Hlaing công bố lộ trình, bước đi tiếp theo của chính quyền trong thời hạn một năm tới, với các kế hoạch về mở cửa lại cơ sở tôn giáo, khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch và khách sạn, phục hồi kinh tế...
Đối với cựu lãnh đạo NLD, cảnh sát Myamar ngày 3/2 đã phát lệnh bắt giữ bà San Suu Kyi và ông U Win Myint, lần lượt với các cáo buộc vi phạm Luật xuất nhập khẩu, vi phạm các biện pháp liên quan đến đại dịch COVID-19 theo Luật xử lý thiên tai. Tòa án ra lệnh tạm giam 2 nhân vật này trong 15 ngày, từ 1/2 đến 15/2. Về phần mình, NLD cùng ngày ra tuyên bố trên mạng xã hội, yêu cầu giới lãnh đạo quân sự trả tự do cho ông U Win Myint và bà San Suu Kyi, thừa nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 2020.
Diễn biến tại Myanmar khiến dư luận quốc tế lưu tâm, quan ngại. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 5/2 đã tiến hành phiên họp khẩn bàn về tình hình Myanmar, ra tuyên bố chung kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác vẫn còn bị giam giữ. HĐBA LHQ nhấn mạnh yêu cầu cần duy trì tiến trình và các thể chế dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng các quy định của pháp luật, nhưng không khẳng định khủng hoảng tại Myanmar là “đảo chính quân sự”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/2 kêu gọi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực, đồng thời ra lệnh xem xét lại việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, vốn được dỡ bỏ nhờ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cần cùng nhau lên tiếng gây sức ép buộc quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực.
Malaysia, Indonesia, Singpore bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Myanmar, kêu gọi các bên kiềm chế, duy trì đối thoại, giải quyết mọi tranh chấp bầu cử một cách hòa bình nhằm hướng đến một kết quả tích cực.
Trước thời điểm xảy ra chính biến, quân đội Myanmar cáo buộc có gian lận bầu cử khi tên của nhiều người bị lặp lại trong danh sách bầu cử ở một số quận. Quân đội cũng không hài lòng với cách giải quyết của Ủy ban bầu cử đối với các khiếu nại gian lận.