Trong những ngày này, khi tình hình ở Ukraine đang căng thẳng cực điểm, Moskva tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau thuyết phục chính phủ lâm thời Kiev chấm dứt các hành động chống lại người dân nước mình. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã liên lạc thường xuyên với các đối tác quốc tế và tìm cách đối phó với tình hình phức tạp ở Ukraine. Tuy nhiên, Moskva hiện đang ở thế tiến thoái lưỡng nan tại khu vực phía đông và nam của quốc gia Đông Âu này.Theo người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, Nga đã nhận được “hàng ngàn” đề nghị giúp đỡ của người dân Ukraine, sau khi chính quyền lâm thời ở Kiev mở cuộc tấn công đẫm máu vào người biểu tình đòi ly khai ở miền đông. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết Moskva chưa có quyết định nên phản ứng thế nào: “Vấn đề này hoàn toàn mới với chúng tôi. Kiev và các nhà tài trợ phương Tây của họ thật sự đã gây ra cuộc đổ máu và họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp”.
Xe tăng quân đội Ukraine đang thực hiện chiến dịch "chống khủng bố" ở miền đông. Ảnh: RIA Novosti |
Trong khi đó, Tư lệnh quân sự cấp cao của NATO, Tướng Philip Breedlove ngày 5/5 tuyên bố ông không nghĩ rằng lực lượng chính quy của Nga sẽ tiến vào miền đông Ukraine, đồng thời dự báo rằng Moskva có thể đạt được mục đích của mình bằng các biện pháp khác. Phát biểu tại một hội nghị quốc phòng ở thủ đô Ottawa của Canada, ông Breedlove nói: “Hiện nay tôi cho rằng Tổng thống Putin có thể đạt được các mục tiêu của mình ở miền Đông Ukraine và không bao giờ đưa quân qua biên giới với nước này”. Theo ông, “hành động có khả năng nhiều nhất là ông Putin tiếp tục chiến thuật đang được triển khai, đó là làm mất uy tín Chính phủ Ukraine, tạo thuận lợi cho một phong trào ly khai” nhằm đảm bảo Moskva tiếp tục nắm giữ miền đông Ukraine.
Một câu hỏi khác đặt ra là trong khi chính phủ lâm thời tại Kiev đang tiến hành chiến dịch quân sự chống lại người biểu tình ủng hộ liên bang hóa, cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới ở Ukraine liệu có công bằng. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine, giúp cho phép giới lãnh đạo tại Kiev “có được tính hợp pháp mới”. Ngược lại, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin lại cho rằng: “Chúng tôi không hiểu ở các thủ đô châu Âu và ở Washington, họ đang nói đến cuộc bầu cử gì ở Kiev. Rõ ràng, dựa trên tình hình hiện nay, giữa các cuộc tấn công quân sự, cuộc đột kích trả đũa và những vụ giết chóc hàng loạt, nói về bầu cử là điều thật lố bịch”.
Việc nhanh chóng tiến hành bỏ phiếu là nhằm hợp pháp hóa chính phủ tạm quyền Kiev hiện nay, trong khi đó nếu cuộc trưng cầu dân ý ở đông Ukraine diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào, Moskva sẽ phải chịu sự chỉ trích và một làn sóng các biện pháp trừng phạt mới. Mục đích của Mỹ và EU là lợi dụng cuộc khủng hoảng này gây áp lực đối với Moskva, điều sẽ cho phép Mỹ và EU tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ nền kinh tế của Nga. Washington vốn có ý định biến Nga thành một "quốc gia bị bỏ rơi", bằng cách cắt đứt các liên kết kinh tế và chính trị của nước này với thế giới bên ngoài.
Nếu Mỹ và EU đã ủng hộ hành động tấn công quân sự của Kiev ở phía đông, thì sau đó có mọi lý do để tin rằng họ sẽ nhắm mắt làm ngơ để Ukraine xử lý những người biểu tình hoặc những người tiến hành trưng cầu dân ý. Một thực tế rõ ràng là với các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tăng giá nhiên liệu để đáp ứng với điều kiện cho vay của IMF, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều người xuống đường biểu tình phản đối các chính sách của chính phủ. Sự vi phạm cam kết của Mỹ và EU trong việc không thực hiện hiệp định Geneva ngày 17/4 có thể khiến cho Moskva cảm thấy rằng việc theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao về cơ bản là một sự vô ích. Trước đó, Nga đã tuyên sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp" để đảm bảo sự an toàn của người gốc Nga ở Ukraine nếu họ bị đe dọa và trong hoàn cảnh hiện tại, một số hình thức can thiệp có thể hình dung được.
Lực lượng tự vệ khu vực đông Ukraine đang đứng gác tại một chốt kiểm tra ở Slavyansk. Ảnh: RIA Novosti |
Trong trường hợp Nga quyết định rằng tình hình ở miền đông Ukraine cần thiết phải can thiệp, Moskva sẽ phải đối mặt với những lời cáo buộc của Mỹ và EU mà truyền thông phương Tây gọi là "sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc Nga".
Kể từ khi chính quyền lâm thời ở Kiev lên nắm quyền, Mỹ và các đồng minh đã triển khai quân đội tới các nước vùng Baltic như Latvia, Litva và Estonia cũng như Ba Lan, đưa lực lượng NATO tiến sát biên giới Nga. Sự nguy hiểm tiềm tàng đang gia tăng nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh nóng đối với các nước liên quan trong khu vực. Washington đang duy trì mức độ ảnh hưởng cao đối với Kiev và mặc dù cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Ukraine đã được xác định là mang tính kích động và hai mặt, chúng ta vẫn hy vọng chính quyền Obama có đủ nhạy bén để chấm dứt sự liều lĩnh của mình.
Nga đã chứng tỏ là một đối tác tin cậy đối với phương Tây về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tăng cường hợp tác chống khủng bố toàn cầu và một số lĩnh vực hợp tác khác. Riêng trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, không thể nói rằng, tất cả các chính trị gia phương Tây đều có thái độ đầy trách nhiệm với vấn đề này. Ví dụ, người đứng đầu chính sách đối ngoại châu Âu, bà Catherine Ashton quả quyết rằng, chính quyền Kiev có độc quyền về việc sử dụng bạo lực. Sau khi nhận được sự ủng hỗ này, Kiev đã phái đến Odessa một “đơn vị đặc nhiệm” gồm các phần tử dân tộc cực đoan.
Những nỗ lực ngoại giao về vấn đề Ukraine được vạch ra trước đó đã bị phương Tây và Kiev bỏ qua hoàn toàn, tạo ra một tình huống bất lợi cho việc làm giảm leo thang căng thẳng của Nga. Sự nguy hiểm hiện nay là sự đổ lỗi cho nhau giữa các bên có thể dẫn đến một tình trạng bất ổn bạo lực sâu sắc tại Ukraine. Cộng đồng quốc tế cần phải tập trung nỗ lực để chính phủ tạm quyền Kiev và đại diện các khu vực phía đông nam Ukraine ngồi vào bàn đàm phán - Moskva đang tích cực hoạt động theo hướng này.
Theo Nga, những lời lẽ của các chính trị gia châu Âu biện minh hành động của Kiev là thái độ "vô liêm sỉ". Nga tin chắc rằng, các bên xung đột vẫn có cơ hội bắt đầu cuộc đối thoại, nhưng, nếu Kiev tiếp tục chiến dịch trừng phạt ở khu vực đông - nam thì sẽ mất hết cơ hội này. Và sau đó, trên biên giới với châu Âu sẽ bùng nổ cuộc nội chiến với những hậu quả không lường trước được.
Công Thuận (Tổng hợp)