Sau khi Crimea (Crưm) chính thức sáp nhập Nga, liệu giấc mơ tự trị của người Tatar trên bán đảo này có trở thành hiện thực?
Trong khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea để bảo vệ quyền lợi của dân tộc Nga trên bán đảo, người Tatar tại đây từ lâu đã đề nghị cả Liên Xô và sau đó là Ukraine, công nhận quyền tự trị của họ.
Chủ tịch Mejlis của người Tatar ở Crimea, ông Refat Chubarov (phải) tại cuộc bỏ phiếu thông qua quyết định ủng hộ quyền tự trị ngày 29/3. |
Trong phiên họp diễn ra ngày 29/3 tại trụ sở chính quyền ở Bakhchisaray của người Tatar ở Crimea, Kurultay - Hội đồng dân tộc Tatar – đã thông qua một nghị quyết nhấn mạnh quyền tự quyết và tự trị trên bán đảo Crimea. "Giờ đây, có một điều rõ ràng là với tất cả những ai xem trọng quyền tự quyết, họ phải hiểu được rằng người Tatar ở Crimea cũng có quyền tương tự”, Chủ tịch hội đồng Kurultay, Refat Chubarov nói.
Là cộng đồng Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người Tatar chiếm khoảng 12%trong tổng số 2 triệu dân của Crimea và coi đây là quê hương lịch sử của họ. Năm 1944 toàn bộ người dân Tatar bị trục xuất tới Siberia và Trung Á theo lệnh của lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ, Josef Stalin. Sau nhiều thập kỷ biểu tình ôn hòa, khoảng 200.000 người cuối cùng đã quay trở lại bán đảo này vào đầu những năm 1990. Họ tiếp tục yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận tuyên bố lịch sử của họ đối với Crimea và đảm bảo việc bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Tatar.
Kể từ khi Crimea tuyên bố độc lập và chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga, người Tatar bất ngờ trở thành một lực lượng chính trị được tính đến. Mejlis (lực lượng chính trị của người Tatar) tuyên bố chính phủ mới của Crimea và cuộc trưng cầu ngày 16/3 là bất hợp pháp. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine bắt đầu thuyết phục người Tatar trên bán đảo này bằng những cam kết và sự bảo vệ.
Ukraine đã thông qua một nghị quyết công nhận tộc Tatar như người dân bản địa của Crimea vào ngày 20/3. Nhưng với đa số người Tatar-Crimea, đây gần như một sự “xúc phạm” vì sau 23 năm đề nghị, Ukraine không cho phép tộc người này tự trị. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng ông thừa nhận quyền của người Tatar-Crimea có đại diện trong chính quyền địa phương và được hưởng nền giáo dục bằng ngôn ngữ riêng của họ. Đại diện của người Tatar ở Nga cũng đã đến Crimea, nói về tình hữu nghị và hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa và tôn giáo. Chính quyền Crimea mới đây cho biết họ sẽ phân bổ 20% ngân sách của bán đảo này cho người Tatar ở đây.
Tuy nhiên, hầu hết người Tatar trên bán đảo này nhận ra rằng tình hình hiện nay ở Crimea có thể là cơ hội để họ đạt được ước mơ tự trị. "Chưa thể quyết định điều gì, nhưng mọi thứ vẫn có thể xảy ra. Liệu chúng tôi có thể tách khỏi Nga? Nếu điều đó là có thể, như vậy là tự trị", ông Gerai Abduliev, một lãnh đạo của người Tatar ở thành phố Bakhchisaray, Crimea nói.
Năm 2007, Hội đồng dân tộc Tatar ở Crimea đã đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận quyền tự quyết, tự trị và tự quản của họ; được tham gia đầy đủ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, và các hoạt động quân sự trên vùng đất này chỉ được thực hiện nếu có sự cho phép hoặc theo yêu cầu của họ,… Tuy nhiên, cho đến nay, LHQ vẫn chưa xem xét đến lời đề nghị này.
Toàn cảnh cuộc họp bỏ phiếu thông qua quyết định ủng hộ quyền tự trị ngày 29/3 của người Tatar-Crimea. Ảnh: AFP |
Giờ đây, cho dù có thích hay không, trên thực tế và theo luật pháp Nga, Crimea là một phần của Liên bang Nga và người Tatar ở Crimea đang phải đối mặt với sự lựa chọn: Hợp tác với chính quyền Crimea mới trong một khuôn khổ pháp lý và kiểm soát thực tế của Nga để bảo vệ và thúc đẩy quyền của họ, hoặc "tẩy chay" chính quyền mới mà họ cho là bất hợp pháp ở đây.
Sự lựa chọn này có ảnh hưởng trực tiếp đối với không chỉ các nhà lãnh đạo chính trị của người Tatar-Crimea mà cả những người làm việc trong các cơ quan chính quyền cấp huyện, các tổ chức nhà nước, và mỗi người Tatar bây giờ phải quyết định có nộp đơn xin cấp hộ chiếu Nga hay không.
Sau nhiều giờ tranh luận nảy lửa, Hội đồng Kurultay cuối cùng quyết định sẽ cử đại diện tham gia vào chính quyền mới Crimea, nhưng với yêu cầu là người của họ phải có mặt ở tất cả các cấp đại diện. Trong khi đó, một lãnh đạo của người Tatar-Crimea cho biết việc chọn hộ chiếu Nga là quyết định cá nhân của mỗi người và khuyên không nên bỏ hộ chiếu Ukraine.
"Tôi cho rằng Kurultay không nên hợp tác với chính quyền, nhưng họ đã quyết định khác. Có lẽ chúng tôi không có lựa chọn khác. Quyền tự trị sẽ rất tốt, chúng tôi muốn có nó trong nhiều năm. Nhưng sẽ không phù hợp khi khu vực này không còn thuộc về Ukraine. Chúng tôi cũng đã có sự gần gũi với Ukraine trong vòng 25 năm qua và có rất nhiều điểm tương đồng. Bây giờ người Tatar phải bỏ hộ chiếu Ukraine và nhận hộ chiếu Nga, nếu không chúng tôi sẽ phải làm gì? Rời bỏ Crimea? Chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi nên sống ở đây", Dilyaver Aliev, một nhân viên đã về hưu người Tatar-Crimea nói.
Vũ Thanh (Kiev Post)