Một minh chứng nữa với cả thế giới, đặc biệt là nhân dân Colombia, chính là việc ký kết chính thức thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Chính phủ nước này và nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ngày 24/8 vừa qua tại thủ đô La Habana, Cuba.
Chông gai tới hòa bìnhTrong lịch sử 60 năm xung đột vũ trang tại Colombia, riêng FARC đã có “thâm niên” 52 năm cầm súng và tới thời điểm này là nhóm du kích vũ trang lâu đời nhất và đông đảo nhất, với khoảng 9000 thành viên hoạt đột và 2.700 thành viên đang bị Chính phủ giam giữ.
Phát biểu tại Quốc hội, ngày 25/8, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (thứ hai, phải) đã chỉ thị quân đội thực thi một lệnh ngừng bắn dứt khoát với FARC. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong quá khứ, đã hơn một lần nhóm du kích ra đời từ phong trào đấu tranh đòi cải cách nông thôn này đã tìm cách giã từ vũ khí để theo đuổi hoài bão bằng còn đường hòa bình, nhưng tất cả các nỗ lực đàm phán với chính phủ đều kết thúc trong thất bại: Năm 1984, họ đàm phán với chính phủ của Tổng thống Belisario Betancur và thành lập chính đảng Liên đoàn Ái quốc nhưng sau đó các lãnh đạo của tổ chức này đều bị sát hại. Năm 1991, họ thương lượng với chính phủ của Tổng thống César Gaviria và thành lập Ban điều phối du kích Simón Bolívar và năm 1998 là cuộc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Andrés Pastrana. Tất cả đều kết thúc trong đổ vỡ.
Thậm chí, trong những năm gần đây, các thủ lĩnh chủ trương hòa bình của FARC như Raúl Reyes, Manuel Marulanda hay Alfonso Cano cũng lần lượt ngã xuống. Ngay trong thời gian hòa đàm, hai bên vẫn tiến hành hàng chục hành động vũ trang, quân sự nhằm vào nhau với con số thương vong không nhỏ, cùng vô số những chỉ trích, đổ lỗi, đe dọa và cả việc tạm ngừng đàm phán. Trước khi tới được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, FARC đã 6 lần tiến hành ngừng bắn đơn phương nhưng sau đó đều phải hủy bỏ để đối phó tình trạng căng thẳng.
Chính những yếu tố đó đã khiến cho tiến trình hòa đàm được khởi động năm 2012 tại thủ đô La Habana của Cuba luôn bị nhìn nhận với ánh mắt nghi ngờ. Thậm chí tới trước thời điểm công bố thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn hồi tháng 6 vừa qua, đa số người dân Colombia vẫn cho rằng quá trình thương lượng công phu tại Cuba rốt cục cũng sẽ chịu chung số phận hẩm hiu với các tiến trình trước đó.
Trong gần 50 vòng đàm phán liên tục trong suốt 4 năm qua, các nhà đàm phán của hai bên luôn luôn phải gánh chịu những sức ép to lớn đó, đồng thời phải vượt qua khác biệt quan điểm sâu sắc và lòng thù hận tích lũy trong nhiều thập kỷ để hoàn thành lộ trình 6 điểm đầy tham vọng đã được đề ra trong vòng thương lượng sơ bộ trước đó tại Oslo, gồm có: (1) chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, (2) quyền tham gia chính trị, (3) chấm dứt xung đột, (4) giải quyết vấn đề ma túy phi pháp, (5) vấn đề các nạn nhân xung đột và (6) tiến trình hợp thức hóa, thực thi và giám sát thỏa thuận.
Bên cạnh lộ trình trên, hai bên cũng nhất trí về nguyên tắc chính trong đàm phán là “thỏa thuận được tất cả hoặc không có thỏa thuận”, và tiến dần theo phương thức “chậm mà chắc” từ các đề tài “nhẹ nhàng” tới các đề tài gai góc. Sau hơn nửa năm đàm phán, tháng 6/2013 hai bên đạt thỏa thuận về chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, với 4 trụ cột là quyền tiếp cận và sử dụng đất; khuyến khích sản xuất nông nghiệp; cải thiện môi trường lao động tại nông thôn và hệ thống an ninh lương thực.
Tới tháng 12 cùng năm, hai bên nhất trí về vấn đề quyền tham gia chính trị với 3 nguyên tắc; quyền lợi và bảo đảm cho phe đối lập chính trị; các cơ chế dân chủ cho sự tham gia của công dân và hoạt động khuyến khích tham gia chính trị. Tháng 5/2014, hai bên đạt đồng thuận về giải quyết vấn đề ma túy phi pháp với 3 nội dung chính là kế hoạch thay thế cây coca, chương trình phòng chống tiêu thụ ma túy cùng công tác y tế tương thích, và đấu tranh chống hiện tượng sản xuất và buôn bán ma túy.
Tiếp theo, hai bên thành lập Ủy ban Lịch sử xung đột vào tháng 8/2014 nhằm giải quyết 3 điểm còn lại, có liên quan trực tiếp tới 2 bên tham chiến và được đánh giá là gai góc hơn. Tháng 2/2015, ủy ban này nộp bản báo cáo về nguồn gốc và các nguyên nhân xung đột, các tác nhân chính và điều kiện khiến hiện tượng này kéo dài, cùng những tác động chính lên người dân.
Vào tháng 12 năm ngoái, 2 bên tạo được bước đột phá với thỏa thuận về vấn đề nạn nhân xung đột và vấn đề pháp lý, trong đó mục tiêu trọng tâm là xây dựng một hệ thống bao gồm cả các cơ chế tư pháp và phi tư pháp nhằm đánh giá chính xác và bảo đảm quyền lợi của các nạn nhân của cuộc xung đột.
Hai điểm còn lại (chấm dứt xung đột và các cơ chế triển khai thỏa thuận) được đàm phán xen kẽ từ đầu năm nay do liên quan chặt chẽ tới nhau. Theo đó, vào tháng 3, hai bên đạt đồng thuận về việc thành lập một cơ chế giám sát ngừng bắn; vào tháng 5, nhất trí các về các công cụ đảm bảo an toàn và ổn định pháp lý cho thỏa thuận cuối cùng, phù hợp cả với luật pháp trong nước lẫn luật pháp quốc tế; và tháng 6 vừa qua ký kết thỏa thuận về ngừng bắn vĩnh viễn, được coi là nấc thang cuối cùng để khép lại quá trình đàm phán hòa bình.
Thách thức phía trước
“Thỏa thuận cuối cùng về Chấm dứt xung đột và Xây dựng một nền Hòa bình lâu dài và ổn định” này đã khép lại 5 thập kỷ đối đầu vũ trang giữa quân đội Colombia và FARC, nhưng vẫn còn đó những vấn đề mang tính cấu trúc của quốc gia Nam Mỹ này từng là nguyên nhân của cuộc xung đột.
Đại diện của Chính phủ Colombia và FARC bắt tay sau khi được Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez (giữa) trao tượng trưng hai phiên bản thỏa thuận. Ảnh: Lê Hà/TTXVN |
Các đề tài được nhất trí trong thỏa thuận này như phát triển nông thôn; quyền tham gia chính trị; bảo đảm quyền lợi cho các nạn nhân, sẽ giữ vai trò then chốt trong quá trình hòa giải và phát triển sắp tới tại Colombia, như Trưởng đoàn đàm phán của FARC Luciano Marín Arango – biệt danh Iván Márquez – đã nhận định sau lễ ký.
Bên kia bàn thương lượng, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Colombia Humberto de la Calle cũng có cách nhìn tương tự với lời khẳng định: “Xây dựng hòa bình phụ thuộc nhiều vào việc thỏa thuận này sẽ được trển khai ra sao, và quá trình triển khai đó phụ thuộc trước hết vào xã hội Colombia. Đầu tiên, là việc có thông qua thỏa thuận này trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10 tới hay không và thứ hai là có cam kết thực hiện những chuyển biến cần thiết để đạt được hòa bình hay không”.
Cho dù các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy đại đa số người dân Colombia sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận nói riêng, cũng như quá trình kiến thiết hòa bình nói chung, nhưng cũng không thể bỏ qua những lực lượng phản đối tiến trình này, thường được nhìn nhận như những cánh cực đoan nhất thuộc cả 2 phía, đặc biệt khi trong số này có cả những nhân vật có nhiều ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, điển hình là cựu tổng thống Álvaro Uribe, cũng như một thực tế rằng gây ra một đám cháy bao giờ cũng dễ hơn dập tắt nó.
Ở cấp độ rộng hơn, cả xã hội Colombia sẽ phải thay đổi về mặt tâm lý để có thể thực sự thích nghi với văn hóa chung sống và giải quyết bất đồng trong hòa bình, từ bỏ thói quen từ nhiều thập kỷ qua giải quyết những xung đột trong xã hội bằng súng đạn hay học thuyết quân sự về “kẻ thù trong nước” vốn giữ vai trò chủ lưu trong quân đội nước này trong nhiều năm qua.
Chỉ riêng nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho những cựu du kích quân đã giã từ vũ khí trước những kẻ thù cũ của họ, bao gồm cả các tổ chức tội phạm vũ trang và các nhóm bán quân sự cực hữu vẫn đang hoạt động phi pháp, đã là một nhiệm vụ không hề đơn giản và rất dễ gây bùng nổ.
Các điểm được đề ra trong thỏa thuận cuối cùng đồng nghĩa với nhiều chương trình kinh tế - xã hội rộng lớn và đầy tham vọng và do đó việc thực thi đầy đủ, cho dù cả dưới sự giám sát của quốc tế, cũng đòi hỏi một quyết tâm chính trị to lớn và chân thành của chính phủ Colombia.
Cũng không thể bỏ qua thực tế rằng tiến trình hòa bình sắp tới tại Colombia sẽ diễn ra trong một bối cảnh địa chính trị phức tạp tại khu vực Mỹ Latinh với chu kỳ trầm lắng phong trào tiến bộ, những lực lượng luôn bảo vệ cho giải pháp hòa bình tại Colombia từ trước tới nay, và kéo theo đó là sự suy yếu của các cơ chế khu vực như Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (Celac) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) trong vai trò giám sát và đảm bảo thực thi thỏa thuận trên.
Những thách thức cho con đường hòa bình sắp tới của Colombia là không hề đơn giản nhưng cũng không phải là không thể vượt qua. Nền hòa bình sắp tới tại quốc gia Nam Mỹ này có thể cũng giống như nhận định của ông Humberto de la Calle về thỏa thuận lịch sử ngày 24/8 rằng dù chưa phải là hoàn hảo, nhưng là con đường khả thi nhất, tốt nhất có thể để “xứ sở cà phê” tiến tới một tương lai khác, tươi sáng hơn.