Theo tờ Politico (Mỹ) ngày 4/8, Saudi Arabia đang coi hội nghị toàn cầu tại Jeddah về Ukraine vào cuối tuần này là cơ hội để thể hiện mình là nhà môi giới hòa bình.
Quốc gia Trung Đông trên đã bị một số nước phương Tây cho là “vi phạm nhân quyền” sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018. Nhưng vào cuối tuần này, Saudi Arabia sẽ nâng cao hình ảnh của mình với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình khi tổ chức đàm phán về cuộc xung đột ở Ukraine.
Hàng chục cố vấn an ninh quốc gia và các quan chức cấp cao đã đến thành phố Jeddah bên Biển Đỏ để tham dự một cuộc họp khai mạc vào tối 4/8.
Mục đích của cuộc gặp là tập hợp các quốc gia từ “Nam bán cầu”, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - cũng như các quốc gia thuộc EU, cùng với Mỹ và Canada - để xem xét những nỗ lực của Ukraine nhằm môi giới cho một kế hoạch hòa bình. Ukraine có đại diện tại hội nghị, nhưng phía Nga thì không.
Cuộc họp cuối tuần này – diễn ra sau một cuộc họp tương tự ở Copenhagen vào tháng 6 vừa qua - là nỗ lực mới nhất của Saudi Arabia nhằm cải thiện hình ảnh của mình sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi, xảy ra tại đại sứ quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Saudi Arabia đã đóng một "vai trò rất tích cực" trong cuộc họp ở Copenhagen (Đan Mạch), hai quan chức có quan hệ trực tiếp về cuộc họp nói với Politico. Và bây giờ, họ đang đóng vai chủ nhà. Đây là một nỗ lực tiếp theo của Riyadh khi tự cho mình là một người mối giới ngoại giao.
Trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt do Trung Quốc làm trung gian hồi đầu năm nay, Saudi Arabia đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao với Iran. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã ghé thăm Jeddah vào tuần trước trong bối cảnh có thông tin rằng một bước đột phá sâu rộng ở Trung Đông, trong đó có cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, có thể sắp diễn ra.
Riyadh giờ đây sẽ tìm cách tận dụng sức mạnh ngoại giao của mình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Saudi Arabia đã có mối quan hệ tốt với Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu nổ ra, duy trì liên lạc trực tiếp với Moskva, chẳng hạn như tìm cách môi giới một thỏa thuận để hồi hương trẻ em Ukraine.
Cả Saudi Arabia và Nga đều là thành viên của nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC + và Thái tử Mohammed bin Salman đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Riyadh.
Mặc dù không rõ liệu Thái tử Mohammed bin Salman có tham dự cuộc họp vào cuối tuần này hay không, nhưng Saudi Arabia dự kiến sẽ thông báo cho Nga về kết quả của cuộc họp.
Trước đó cuộc họp tương tự ở Đan Mạch đã kết thúc mà không có thông cáo chính thức - một dấu hiệu cho thấy nhiệm vụ khó khăn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt khi tìm cách tập hợp sự ủng hộ để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Tạo cơ hội hòa bình?
Về phần mình, Ukraine ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến mới nhất của Saudi Arabia - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ dừng chân tại Jeddah trên đường tới hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 năm nay, có bài phát biểu trước Liên đoàn Arập và gặp gỡ ông Salman.
Tổng thống Zelensky mới đây cho biết ông coi cuộc gặp lần này là một bước trên con đường hướng tới một hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu, mà ông hy vọng sẽ được tổ chức vào mùa thu, mặc dù một cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia và chính phủ có thể diễn ra vào tháng 9 tại G20 hoặc Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Nhưng ngay cả có hội nghị thượng đỉnh như vậy cũng vẫn còn thách thức. Vấn đề mà các nhà đàm phán phải đối mặt là một câu hỏi cơ bản: Ai có thể định nghĩa hòa bình?
Ukraine vẫn kiên định với kế hoạch hòa bình 10 điểm của họ, thậm chí còn lập luận rằng công thức hòa bình này không chỉ có hiệu quả ở Ukraine mà còn ở các nơi khác trên thế giới.
Kiev cũng muốn làm nổi bật kế hoạch hòa bình của mình, trong khi Nga thường xuyên đưa ra cách giải thích hòa bình của riêng mình ở các quốc gia không liên kết, đặc biệt là ở “Nam bán cầu”.
Trong tuần này, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết cả Nga và Ukraine đều chưa sẵn sàng cho hòa bình - một lời ám chỉ rằng Kiev thường bị các nước ngoài phương Tây coi là “đồng gây hấn”. Nhưng một điểm mấu chốt trong kế hoạch 10 điểm của Ukraine là "yêu cầu Nga tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi nước này" - điều Moskva khó có thể chấp nhận.
Bất chấp điều đó, những người liên quan đến công tác chuẩn bị cho cuộc họp ở Saudi Arabia lần này tiếp tục hy vọng có tiến triển. Cuộc thảo luận trong 2 ngày sẽ được cấu trúc xung quanh 10 chủ đề phụ. Theo một tài liệu tóm tắt, chúng bao gồm các chủ đề như an ninh lương thực và năng lượng; trả tự do cho các tù nhân và những người bị cưỡng bức trục xuất, bao gồm cả trẻ em; an ninh sinh thái,...
Các quốc gia châu Âu dường như đã gặp nhau trước cuộc họp để đảm bảo rằng thông điệp có sự gắn kết. Nhưng cuối cùng, những người tham dự sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn: Nỗ lực đạt được tiến bộ ngoại giao trong khi không có sự tham gia của Nga. “Điều quan trọng là chúng tôi có một kết quả chấp nhận được đối với người dân Ukraine”, một quan chức EU giấu tên cho biết.