Đây được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm vào cộng đồng người Do Thái, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Hàng loạt vụ xả súng chết người xảy ra tại Mỹ trong những năm gần đây làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối sử dụng súng và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua luật kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, khả năng này khó trở thành hiện thực, nếu như cách phản ứng của người dân đối với vụ việc Pittsburgh cũng kết thúc giống như các vụ xả súng khác trong quá khứ, ví dụ như vụ thảm sát bằng súng ở trường Tiểu học Sandy Hook ở Connecticut năm 2012 khiến 26 người thiệt mạng hay vụ xả súng ở Las Vegas năm 2017, vụ tấn công được coi là tồi tệ nhất lịch sử Mỹ khi cướp đi mạng sống của ít nhất 58 người và khiến hơn 500 người bị thương.
Dường như đã trở thành một thói quen của người dân Mỹ, cứ sau mỗi vụ xả súng, các cuộc biểu tình, tranh luận về súng cũng như bạo lực súng đạn lại nổ ra trên toàn nước Mỹ, thậm chí một vài dự luật về vấn đề này cũng được đưa ra. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả dường như lại bị chìm xuống. Chính vì vậy, mặc dù Mỹ là quốc gia có mức độ bạo lực súng đạn cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, cho tới thời điểm này, Quốc hội Mỹ vẫn chưa triển khai được hành động đáng kể nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch "thảm khốc" tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai.
Đi tìm nguyên nhân khiến những nỗ lực phản đối bạo lực súng đạn hay kêu gọi kiểm soát súng đạn ở Mỹ không mang lại kết quả, có lẽ phải hiểu được những số liệu thống kê về sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ, cũng như cả mối quan hệ vô cùng đặc biệt của người Mỹ với súng, điều khác biệt với bất cứ nước phát triển nào.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỉ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức. Đây cũng là lý do chính khiến Mỹ có tỉ lệ người bị sát hại, trong đó có cả những người bị giết không phải vì súng, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Một số liệu thống kê quan trọng khác cho thấy tính tới thời điểm này, Mỹ có tỉ lệ sở hữu súng tư nhân cao nhất thế giới. Năm 2017, số lượng súng dân dụng ước tính ở Mỹ là 120,5 khẩu súng/100 người.
Theo các cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew và khảo sát xã hội nói chung, người Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số thế giới, nhưng sở hữu khoảng 45% tất cả vũ khí tư nhân của thế giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hầu hết người dân Mỹ đều sở hữu súng. Trên thực tế, quyền sở hữu súng tập trung ở một số ít dân số Mỹ.
Các số liệu cơ bản trên đã phản ánh rõ văn hóa sử dụng súng của Mỹ. Ngoài ra, còn có mối tương quan rất chặt chẽ giữa quyền sở hữu súng và bạo lực súng đạn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mối quan hệ nhân quả, đồng thời sở hữu súng chỉ tập trung ở một nhóm thiểu số những người đam mê, và đây chính là nhóm phản đối các hình thức kiểm soát súng và gây sức ép để các nhà lập pháp Mỹ không thông qua những biện pháp kiểm soát súng đạn.
Các nghiên cứu cho thấy nhiều súng hơn thì số người thiệt mạng vì súng cũng nhiều hơn. Điều này được thể hiện rõ qua các số liệu ở từng bang của Mỹ. Những người phản đối việc kiểm soát súng đạn cho rằng một yếu tố khác dẫn tới mức độ bất thường của bạo lực súng của Mỹ - đó là do bệnh tâm thần. Tuy nhiên, theo phân tích của bác sĩ tâm thần Michael Stone từ Đại học Columbia, chỉ có 52 người (tương đương 22%) trong số 235 kẻ giết người bằng súng bị bệnh tâm thần. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những người bị bệnh tâm thần có nhiều khả năng là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm của bạo lực súng, và đối tượng này không nên bị coi là thủ phạm chính của những vụ giết người hàng loạt bằng súng.
Cũng có ý kiến cho rằng các các vụ xả súng sẽ ít xảy ra hơn nếu như có nhiều người sở hữu súng hơn vì giúp họ tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, một lần nữa, các số liệu cho thấy điều này không phản ánh đúng sự thật. Tỷ lệ sở hữu súng cao không làm giảm số người tử vong vì súng đạn mà ngược lại, làm gia tăng bạo lực súng đạn hơn là ngăn chặn nó xảy ra.
Mặc dù súng đạn không phải là yếu tố duy nhất làm gia tăng bạo lực, vì còn nhiều các yếu tố khác như nghèo đói, đô thị hóa và rượu, song các nhà nghiên cứu cho biết tỉ lệ sở hữu súng cao của Mỹ là lý do chính khiến Mỹ phải đối mặt với các vụ bạo lực súng nhiều hơn so với các nước phát triển khác. Để đối phó với vấn đề này, Mỹ sẽ không chỉ phải giảm khả năng tiếp cận súng của người dân, mà còn phải giảm số lượng súng trên cả nước. Cũng phải nói thêm rằng kết quả cuộc điều tra của Kaiser Family Foundation vừa công bố cho thấy chính sách về súng đạn là chủ đề quan trọng thứ ba đối với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới, sau vấn đề chăm sóc sức khỏe và kinh tế.