Thượng viện Mỹ chưa muốn cấm buôn bán súng quân dụng

Việc phục hồi đạo luật đã hết hạn năm 2004 cấm buôn bán và sở hữu các loại súng tấn công sử dụng trong quân đội sẽ không nằm trong các vấn đề về kiểm soát súng đạn mà Thượng viện Mỹ dự kiến thảo luận và đưa ra bỏ phiếu vào tháng 4 tới. Đây là tuyên bố của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid ngày 19/3, trong bối cảnh việc kiểm soát súng đạn vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi gay gắt trên chính trường Mỹ.


 

Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới.

 

Phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sỹ Reid cho biết dự luật trên, do nghị sỹ đảng Dân chủ Diane Feinstein đề xuất, hiện mới chỉ có chưa đến 40 nghị sỹ đảng Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ. Do đó, ông Reid cho rằng vấn đề này rất khó để được thông qua tại toàn thể Thượng viện bởi nó cần phải đạt được tối thiểu 60/100 số phiếu ủng hộ, chưa nói tới Hạ viện là nơi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát.


Tại Thượng viện, đảng Dân chủ chiếm tỷ lệ 55 - 45, nhưng có tới 6 Thượng nghị sỹ của đảng này sẽ phải tranh cử lại trong năm 2014, do vậy họ phải tính tới các lá phiếu của cử tri, nhất là tại những bang bảo thủ, "tôn sùng" súng đạn ở miền nam và miền tây nước Mỹ. Tuy nhiên, Thượng viện sẽ vẫn thảo luận về đề xuất của bà Feinstein về việc giới hạn các băng đạn chỉ có tối đa 10 viên và 3 dự luật khác, bao gồm việc kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ lý lịch những người mua súng, tăng cường xử phạt đối với hoạt động buôn bán súng đạn bất hợp pháp và tăng cường đầu tư nhằm bảo đảm an ninh tại các trường học.


Trước đó, ngày 14/3, với 10 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật, theo đó quy định cấm buôn bán, nhập khẩu và sản xuất 157 vũ khí quân dụng, các vũ khí tấn công bán tự động cũng như các bộ phận có thể giúp chế tạo các loại súng thường trở thành vũ khí tấn công, đồng thời giới hạn các băng đạn chỉ có tối đa 10 viên.


Mặc dù được đa số người dân Mỹ ủng hộ, song dự luật ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt của hầu hết các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện và các nghị sỹ bảo thủ trong đảng Dân chủ, cho rằng văn kiện trên đi ngược lại quyền tự vệ và quyền sở hữu súng hợp pháp của người Mỹ được quy định trong Hiến pháp bổ sung lần hai trong khi vẫn không giải quyết hiệu quả vấn nạn bạo lực súng đạn.


Các loại súng tấn công từng bị cấm ở Mỹ trước năm 2004 là loại súng quân dụng như khẩu AR-15 mà kẻ sát nhân đã sử dụng trong vụ thảm sát 26 người, trong đó có 20 trẻ em từ 6 - 8 tuổi tại một trường tiểu học ở thành phố Newtown, bang Connecticut hồi tháng 12/2012. Cấm buôn bán và sở hữu các loại súng có khả năng sát thương cao là điểm mấu chốt trong đề xuất kiểm soát súng đạn của chính quyền Tổng thống Barack Obama.


Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 12/3/2013 đối với hơn 1.500 trẻ vị thành niên cho biết, chỉ có 24% trong số những người được hỏi nói rằng họ sở hữu một khẩu súng và 48% trong số đó cho rằng họ chủ yếu trang bị vũ khí để tự vệ, so với 32% những người sở hữu súng cho rằng họ sử dụng để thỏa mãn thú vui săn bắn. Kết quả khảo sát này đã đi ngược lại so với kết quả khảo sát tại thời điểm năm 1999 khi mà 49% số người được hỏi cho rằng họ chỉ sở hữu 1 khẩu súng để đi săn trong khi 26% cho rằng họ trang bị súng là để tự vệ.


Những hồi chuông cảnh tỉnh về nỗi kinh hoàng súng ống đã được gióng lên từ rất lâu ở nước Mỹ, đặc biệt là vụ thảm sát “phòng chiếu Batman” ở Aurora, Denver (bang Colorado) ngày 20/7/2012, làm 12 người chết và 58 người bị thương. Trước đó là vụ thảm sát tại trường trung học Columbine (bang Colorado) ngày 20/8/1999, khi hai học sinh tuổi thiếu niên bắn chết 1 giáo viên, 12 học sinh và làm 24 người khác bị thương trước khi tự sát. Dư luận cũng không thể quên vụ thảm sát trường học gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tại trường Đại học Virginia Tech (bang Virginia) ngày 16/4/2007 đã cướp đi mạng sống của 32 người. Cả ba vụ thảm sát nghiêm trọng nói trên, cũng như vô vàn vụ nổ súng diễn ra hàng ngày tại Mỹ, đều có chung một điểm là hung thủ đã dễ dàng sở hữu súng đạn, thậm chí với số lượng lớn.


Có thể thấy, “văn hóa súng đạn” trở thành một phần lớn của “văn hóa bạo lực” Mỹ nói chung, mà hậu quả của nó thì ai cũng đã nhìn thấy rõ, nhưng để ngăn chặn thì còn quá xa vời.

 

TTG

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN