Tín hiệu từ hai chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Philippines

Chỉ 2 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 2 nước ASEAN là Indonesia và Singapore.

Chú thích ảnh
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiếp nối truyền thống từ năm 1986 của tất cả các tổng thống Philippines, Tổng thống Marcos đã chọn các nước láng giềng khu vực Đông Nam Á là điểm đến nước ngoài đầu tiên. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, chuyến công du này “cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Philippines với các nước láng giềng” trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thể hiện tinh thần đoàn kết cũng như cam kết tiếp tục hội nhập khu vực của Philippines.

Ngoài tính biểu tượng và lý do hậu cần, có những nguyên nhân khác khiến ông Marcos thăm Indonesia và Singapore. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, hiện là nước Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và sẽ là Chủ tịch ASEAN 2023. Trong khi đó, Singapore là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Philippines. Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại hai nước năm ngoái đạt 11,14 tỷ USD, tăng 18,5% so với mức 9,40 tỷ USD năm 2020. Singapore cũng là nguồn kiều hối lớn thứ hai của Phiippines, với hơn 200.000 người Philippines sinh sống và làm việc tại đảo quốc láng giềng này.

Hoan nghênh chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Marcos, hạ nghị sĩ Philippines Paul Daza cho rằng Indonesia và Singapore là 2 “điểm đến lý tưởng”, xét cả về vị trí chiến lược về mặt địa lý, thương mại và đầu tư, an ninh và quốc phòng, giao lưu nhân dân. Theo ông Daza, chuyến công du tới 2 nước láng giềng sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho người dân Philippines, khi tạo điều kiện hợp tác và cải thiện quan hệ kinh tế song phương giữa các nước.

Thực tế, Tổng thống Marcos đã có chuyến công du thành công. Theo ông, chuyến thăm Indonesia đã “hiệu quả hơn” mong đợi. Dù có dân số đông nhất trong khu vực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Indonesia và Philippines vẫn tương đối hạn chế trong suốt những năm qua. Năm ngoái, thương mại song phương đạt 9,5 tỷ USD, trong đó phần lớn (7,3 tỷ USD) là xuất khẩu của Indonesia.

Sau chuyến thăm, Philippines đã nhận được các cam kết đầu tư trị giá 8,5 tỷ USD, bao gồm thỏa thuận trị giá 7 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ đối tác công tư. Ngoài ra còn có thỏa thuận trị giá 662 triệu USD về cung cấp than và phân bón, cùng các khoản đầu tư trị giá 822 triệu USD vào lĩnh vực dệt may, năng lượng tái tạo, công nghệ và nông nghiệp. Những thỏa thuận này dự kiến sẽ tạo ra ít nhất 7.000 việc làm mới.

Tổng thống Philippines Marcos và người đồng cấp nước chủ nhà Joko Widodo đã chứng kiến lễ ký kết kế hoạch hành động 5 năm (2022-2027), trong đó có các chương trình song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh, quốc phòng, quản lý biên giới, chống khủng bố, kinh tế, năng lượng, hàng hải, văn hóa và giáo dục, lao động và y tế. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, nhất trí xem xét lại Thỏa thuận về cửa khẩu biên giới và Thỏa thuận tuần tra biên giới. Indonesia và Philippines cũng cam kết đẩy nhanh đàm phán về phương pháp phân định ranh giới trên biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trong khi đó, tại Singapore, Tổng thống Marcos và các nhà lãnh đạo nước chủ nhà, gồm Tổng thống Halimah Yacob và Thủ tướng Lý Hiển Long, đã chứng kiến lễ ký kết 5 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực từ chống khủng bố đến bảo mật dữ liệu. Thứ nhất là thỏa thuận giữa lực lượng vũ trang 2 nước về việc cử một nhóm sĩ quan Philippines tới Trung tâm Thông tin chống khủng bố khu vực tại Singapore, tiếp đến là MoU về hợp tác kỹ thuật số và bảo vệ dữ liệu và MoU về hợp tác phát triển thành phố New Clark ở tỉnh Tarlac của Philippines.

2 MoU về hợp tác bảo vệ dữ liệu cá nhân và hợp tác về nước cũng được gia hạn. Các thỏa thuận này ước tính trị giá khoảng 5,8 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo đã hoan nghênh “sự hợp tác sâu rộng và mạnh mẽ” giữa 2 nước, đồng thời ghi nhận tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn "để cùng nhau vươn lên mạnh mẽ hơn từ đại dịch một cách toàn diện và bền vững.”

Tổng thống Marcos cũng nhấn mạnh chuyến công du này là “đáng giá” bởi ông có cơ hội thảo luận với lãnh đạo Indonesia và Singapore về những vấn đề khu vực và quốc tế có thể ảnh hưởng tới an ninh khu vực. Ông nêu rõ: “Chúng tôi nhận thức rõ vai trò của mình với tư cách là nước láng giềng và đối tác trong ASEAN. Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng trong thời kỳ địa chính trị hỗn loạn này, sự thống nhất, tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền cần luôn chiếm ưu thế trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và một môi trường có lợi cho sự phát triển của mỗi quốc gia”.

Lãnh đạo các nước chia sẻ quan điểm chung về tầm quan trọng và vai trò của ASEAN trong duy trì sự ổn định và hòa bình ở khu vực, đặc biệt trong thời điểm rất biến động về địa chính trị hiện nay; khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, làm sâu sắc hơn nữa sự hội nhập kinh tế khu vực. Các nhà lãnh đạo Philippines và Singapore nhắc lại quan điểm nhất quán của ASEAN về Biển Đông; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong và trên Biển Đông, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. 

Với những kết quả đạt được trên, giới quan sát đánh giá chuyến công du của ông Marcos đã thành công tốt đẹp. Chuyến thăm cũng mang ý nghĩa chiến lược quan trọng khi phản ánh những ưu tiên chiến lược của tân tổng thống trong bối cảnh Philippines đối mặt với những thách thức kinh tế và sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng.

Cựu Chủ tịch Thượng viện Manny Villar nhận định chuyến công du này không chỉ quan trọng với Tổng thống Marcos mà còn với cả Philippines, vì sẽ thiết lập định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới, cũng như cho phép đất nước tăng cường quan hệ trong khu vực khi đối mặt với những thách thức trên thế giới. Chuyến công du cho thấy yếu tố quan trọng hàng đầu định hình chính sách đối ngoại của Tổng thống Marcos chính là lợi ích quốc gia, đúng như những cam kết của ông khi tranh cử.

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích chính trị Richard Javad Heydarian cho rằng Indonesia và Singapore đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất và tiên tiến nhất của khu vực, là những quốc gia không liên kết, đang duy trì mối quan hệ chiến lược bền chặt với cả Mỹ và Trung Quốc. Do đó, cả 2 nước đều là “nguồn cảm hứng” cho tân Tổng thống Marcos vốn cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Việc thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực sẽ tạo bước chạy đà cho tân Tổng thống Philippines khi ông chuẩn bị thăm Mỹ và tham dự kỳ họp lần thứ 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này.

TTXVN/Báo Tin tức
Tổng thống Philippines lần đầu công du nước ngoài vào tháng tới
Tổng thống Philippines lần đầu công du nước ngoài vào tháng tới

Thư ký báo chí của Tổng thống Philippines - bà Rose Beatrix Cruz-Angeles ngày 19/8 cho biết Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos có lịch trình thăm Indonesia và Singapore vào tháng tới. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Marcos nhậm chức tổng thống vào ngày 30/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN