Trong lúc căng thẳng với Iran leo thang nóng bỏng trong những ngày qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện lực lượng tên lửa đạn đạo Iran đã đặt trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa, trả thù cho cái chết của viên tướng quyền lực Qassem Soleimani. Thông tin này được tờ New York Times dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng lại diễn biến trên với một loạt cảnh báo trên trang Twitter cá nhân, trong đó ông đe dọa sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran, bao gồm cả những địa điểm có tầm quan trọng lớn về văn hóa.
Nhà lãnh đạo Mỹ đăng dòng tweet hôm 4/1: “Iran đang rất mạnh mồm về nhắm mục tiêu vào một số tài sản của Mỹ để trả thù cho việc chúng ta giải thoát thế giới khỏi thủ lĩnh khủng bố hàng đầu của họ, kẻ đã giết hại người Mỹ và làm bị thương nhiều người khác”. Ông Trump cho rằng chính Soleimani đã lãnh đạo các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, và đây được cho là yếu tố thúc đẩy việc Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công ám sát viên tướng này. "Nếu Iran tấn công bất kỳ người Mỹ hoặc tài sản nào của Mỹ, chúng tôi đã nhắm vào 52 địa điểm của Iran (đại diện cho 52 con tin người Mỹ bị Iran bắt giữ trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979), một số có tầm quan trọng rất cao với Iran và văn hóa Iran”, ông Trump viết trong một dòng tweet tiếp theo trên Twitter.
Hiện chưa rõ liệu các đơn vị tên lửa Iran có được phân tán nhằm tránh những cuộc tấn công tiếp theo của Mỹ, hoặc để chuẩn bị cho các cuộc tấn công mục tiêu Mỹ và đồng minh nhằm trả thù cho Tướng Soleimani.
Những biện pháp trả thù tiềm tàng của Iran
Từ sáng 3/1, Đại sứ quán Mỹ tại Iraq đã phát đi khuyến cáo kêu gọi toàn bộ công dân nước này phải “lập tức rời khỏi Iraq”. Và trước đó, ngày 1/1, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành hướng dẫn hạn chế đi lại “Cấp độ 4” dành cho công dân Mỹ, trong đó nhấn mạnh: “Không tới Iraq do các vấn đề khủng bố, bắt cóc và xung đột vũ trang”.
Vậy Iran có thể làm những gì để trả đũa người Mỹ?
Theo tờ Business Insider, khả năng của Iran trong việc thực hiện một phản ứng quân sự truyền thống trước cuộc tấn công của Mỹ là khá hạn chế.
Năng lực hải quân của Iran được tập trung hướng tới các hoạt động như phong tỏa, gài mìn và can thiệp để kiểm soát sự di chuyển của các tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển phía Nam của họ. Mặc dù khả năng này đã gây ra tác động kinh tế khi giá dầu đã bắt đầu liên tục tăng trong những ngày qua, nhưng không có khả năng gây ảnh hưởng quân sự đáng kể trong khu vưc.
Iran đã theo đuổi mạnh mẽ một chương trình đe dọa các nhóm tàu sân bay Mỹ trong khu vực. Vào tháng 5/2019, trả lời về việc Mỹ triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến Vịnh Ba Tư, Amir Ali Hajizadeh, Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nói với hãng tin Al Jazeera rằng: "Một tàu sân bay có ít nhất 40-50 máy bay và 6.000 binh sĩ trên đó từng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chúng tôi trong quá khứ. Nhưng bây giờ nó lại là mục tiêu và các mối đe dọa đã chuyển thành cơ hội”. Ông Hajizadeh cảnh báo: "Nếu người Mỹ có bất cứ động thái nào, chúng tôi sẽ đánh phủ đầu họ."
Trong khi đó, Không quân Iran với lực lượng lớn nhưng đã khá lạc hậu. Báo cáo ngày 30/12/2019 đăng trên trang National Interest cho biết, "Bị cấm mua máy bay chiến đấu mới, Iran đã phải nâng cấp và sao chép các máy bay cũ của mình".
Báo cáo viết: "Máy bay chiến đấu của Iran đã cũ và lỗi thời. Những chiếc không cũ thì chỉ là bản sao mới của thiết kế cũ. Phi đội F-14, F-5 và F-4 do Mỹ sản xuất từ những năm 1970, một số máy bay ném bom MiG-29 và Sukhoi cổ điển của thập niên 1980 và một vài chiếc J-7 mà Iran đã mua của Trung Quốc trong những năm 1990".
Không quân Iran sở hữu phi đội máy bay lỗi thời và chủ yếu do phương Tây chế tạo, nên chúng rất dễ bị các chiến thuật phòng không của Mỹ hóa giải. Vì những lý do này, khả năng Iran tiến hành các cuộc không kích vào nhằm vào lợi ích của Mỹ trong khu vực về cơ bản là không tồn tại.
Về hải quân, năm 2012, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố một báo cáo giải mật về việc vận chuyển nhóm tên lửa chống hạm hạng nặng do Trung Quốc thiết kế cho Iran. CIA kết luận rằng ít nhất 20 tên lửa đã được chuyển từ Trung Quốc đến Iran vào cuối những năm 198
Năm 2006, nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah thân Iran đã cho ra mắt phiên bản tiên tiến hơn của tên lửa chống hạm Silkworm của Trung Quốc, khi tấn công một tàu chiến của Israel ngoài khơi bờ biển Lebanon. Cuộc tấn công của Hezbollah nhằm vào tàu chiến Israel, INS Hanit, vào ngày 14/7/2006 này đã khiến 4 thủy thủ thiệt mạng và làm hỏng nặng tàu hộ tống Israel.
Gần đây, các tàu nhỏ của Iran bị nhóm tàu chiến đấu USS Abraham Lincoln của Mỹ chụp được ảnh đang theo dõi các tàu Mỹ. Tuy nhiên, do khả năng phòng thủ chống tên lửa cao của Hải quân Mỹ, hầu như không có khả năng một cuộc tấn công tên lửa chống hạm hạng nặng thế hệ cũ của Iran sẽ thành công trước một tàu sân bay Mỹ. Mặc dù rõ ràng những nỗ lực tiến hành hoạt động này là không thể loại trừ.
Một mối đe dọa hữu hình đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực có thể đến từ các tên lửa đạn đạo mặt đất của Iran.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trong báo cáo ngày 30/5/2019, Iran có khả năng trang bị một lực lượng gồm hơn 150 tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn. Iran cũng đang cùng phát triển với Triều Tiên về các tên lửa đạn đạo tầm xa tiên tiến hơn, nhưng cho đến nay, các lệnh trừng phạt và hạn chế nhập khẩu cộng với các nỗ lực kiểm soát của Mỹ với Triều Tiên đã làm chậm tiến độ đối với chương trình tên lửa đạn đạo tiên tiến hơn này.
Nhưng ngay cả với hơn 150 tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn của Iran, tương tự như tên lửa Scud của chính quyền Saddam Hussein tại Iraq trước đây, thì cũng không có nhiều mục tiêu Mỹ nằm trong phạm vi tấn công.
Xem Iran phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Khoramshahr năm 2017 (Nguồn: euronews)
Mối đe dọa trả đũa lớn nhất của Iran rất có thể là từ các hoạt động khủng bố từ các nhóm vũ trang ủy nhiệm. Iran đã thành công trong việc hỗ trợ các hoạt động chiến tranh phi truyền thống, thường được thực hiện bởi nhóm ủy nhiệm. Các lực lượng này có thể đe dọa bất kỳ lợi ích nào liên quan đến Mỹ, không chỉ ở Trung Đông, mà trên khắp châu Âu và các khu vực của châu Á.