Nhà Trắng cho biết ở thời điểm hiện tại Mỹ không nhận thấy cơ hội cho đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, ngay cả khi Tổng thống Joe Biden đối mặt với thách thức mới trong duy trì đồng thuận lượng đảng và liên minh đa quốc gia ủng hộ Ukraine trong đối đầu với Nga.
Phát biểu trước báo giới ngày 26/10, John F. Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhấn mạnh Mỹ sẽ để Tổng thống Volodymyr Zelensky tự đưa ra quyết định và Washington sẽ tìm cách tăng cường vị thế cho nhà lãnh đạo Ukraine trong bất kỳ tiến trình hội đàm nào có thể diễn ra.
Nhận định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhóm nghị sĩ trong đảng Dân chủ rút lại lá thư gửi Tổng thống Biden yêu cầu Nhà Trắng thay đổi chiến lược đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine và xem xét khả năng mở đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến sự.
Dù 30 nghị sĩ này đã rút lại đề xuất được đánh giá là “cấp tiến” do lo ngại phản ứng ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, nhưng có thể xem động thái của số nghị sĩ thiên tả này là dấu hiệu cảnh báo về “tình trạng mệt mỏi” sau 8 tháng xung đột mà ở đó Mỹ đã phải chi nhiều tiền để hỗ trợ Ukraine.
Suy giảm ủng hộ với chiến lược hiện tại của Mỹ với Ukraine còn được thể hiện rõ hơn từ phía đảng Cộng hòa. Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy, người được cho là sẽ làm Chủ tịch Hạ viện nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ, hồi tuần trước đã lên tiếng đe dọa hạn chế trợ giúp Ukraine.
Ông nói rằng các khoản viện trợ có thể bị rút lại một phần vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phớt lờ các vấn đề trong nước mà đảng Cộng hòa cho là ưu tiên như đảm bảo an ninh tại biên giới phía nam. “Người dân bắt đầu cân nhắc đến điều đó. Ukraine quan trọng nhưng đồng thời đó không thể là điều quan tâm duy nhất”, ông McCarthy nói.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các đồng minh châu Âu đang đối mặt với mùa đông lạnh giá. Nội bộ các nước nhìn nhận tiến trình xung đột trong tương lai với Nga theo những cách thức khác nhau khi Moskva là người kiểm soát nút thắt năng lượng.
Một số thành viên Đông Âu muốn Nga phải thất bại hoàn toàn và rút hết quân khỏi Ukraine. Những nước khác như Đức, Pháp, Italy lại nhìn nhận một chiến thắng quy mô lớn như vậy là điều không thực tế, lo rằng Mỹ không thực sự tính toán rõ ràng về cách thức chấm dứt chiến tranh.
Ngay cả khi các đồng minh có cùng cách nhìn nhận, căng thẳng cũng đã gia tăng trong vấn đề năng lượng và chiến lược phòng thủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris trong ngày 26/10 để thảo luận về khác biệt giữa hai nước đối với kế hoạch áp giá trần khí đốt do Pháp khởi xướng, nhưng bị Đức phản đối.
Với cá nhân Tổng thống Biden, người đã gây dựng được liên minh rộng rãi về cách tiếp cận trong nước và quốc tế trong xung đột Ukraine, vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian quan trọng. Nỗ lực của Ukraine theo đuổi đối đầu với Nga vẫn nhận được ủng hộ rộng rãi ở Mỹ, nhưng nhiều cuộc thăm dò cho thấy đã có những “hao mòn” nhất định, nhất là với số cử tri đảng Cộng hòa. Nghi ngờ của số cử tri này cho thấy một chiến thắng của đảng Cộng hòa trong bầu cử Quốc hội giữa kỳ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về các gói viện trợ của Mỹ đối với Ukraine trong tương lai.
Cả Mỹ và châu Âu đều lo ngại viễn cảnh Ukraine thắng thế trên chiến trường sẽ đẩy Nga tới các quyết định leo thang xung đột. Với Pháp và Đức, khôi phục lại đường biên giới cho Ukraine như trước ngày 24/2/2022 - thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, là đủ. Lo ngại nằm ở chỗ Nga sẽ coi đó là sự “mất mặt” quá lớn.
Đây là lý do chính khiến cả Đức, Pháp và phần nào đó là Mỹ đều tỏ ra thận trọng trong các quyết định gửi, viện trợ chủng loại vũ khí cho Ukraine. Theo Ulrich Speck - chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại tại Đức, phương Tây về cơ bản đang cung cấp vũ khí theo cách vừa đủ giúp Ukraine tồn tại được, nhưng không đủ để giành lại lãnh thổ từ Nga, với ý tưởng không để Nga thắng, nhưng cũng không để Nga thua.