Thừa nhận những khó khăn về mặt chính trị có thể tác động mạnh mẽ đến vấn đề thương mại, song ngày 2/8 vừa qua, Tổng thống Obama khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận này, một trọng tâm chính trong chương trình nghị sự kinh tế nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông.
Tổng thống Obama chia sẻ với báo giới rằng một số thỏa thuận thương mại trước đây của Mỹ không đem lại toàn bộ những lợi ích như hứa hẹn, và thậm chí còn khiến các quốc gia tham gia phải hứng chịu nhiều thiệt hại, khiến nhiều người chỉ trích toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ông Obama khẳng định: “Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng quá trình toàn cầu hóa, các công nghệ và sự tự động hóa sẽ phục vụ chúng ta, chứ không phải chống lại chúng ta? TPP chính là một hiệp định được xây dựng để đảm bảo mục đích này”. Tổng thống Obama hy vọng TPP vẫn có thể được thông qua tại phiên họp Quốc hội trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sau khi cuộc bầu cử vào tháng 11/2016 có kết quả chung cuộc. Đây sẽ là phiên họp cuối cùng trước khi ông rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đều muốn thúc đẩy TPP. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp lại cho rằng việc bỏ phiếu về TPP khó có thể diễn ra tại Quốc hội trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Phe Cộng hòa, những người có truyền thống ủng hộ các thỏa thuận tự do thương mại, cuối tháng trước vừa công bố cương lĩnh hoạt động trong 4 năm tới, nhấn mạnh: “Quốc hội không nên vội vã hoặc liều lĩnh xem xét các thỏa thuận thương mại quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực”. Ông Stephen Yates, người đứng đầu đảng Cộng hòa tại bang Idaho, và là thành viên của Ủy ban soạn thảo Cương lĩnh đảng Cộng hòa năm 2016, chia sẻ với hãng tin Tân Hoa Xã rằng cụm từ “những thỏa thuận lớn” trong cương lĩnh ám chỉ tất cả các thỏa thuận, bao gồm cả TPP.
Tại Đại hội đảng Cộng hòa diễn ra cách đây hơn một tuần trước, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump liên tục bày tỏ quan điểm phản đối TPP, cho rằng TPP sẽ “phá hủy” ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ và ông cam kết sẽ không ký các thỏa thuận lớn như vậy. Một số nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa có ảnh hưởng, trong đó có thượng nghị sỹ Mitch McConnel và Chủ tịch Ủy ban Tài chính Orrin Hatch, cũng đã bày tỏ sự e dè trước các điều khoản về quản lý thuốc lá, dược phẩm và các thể chế tài chính trong TPP. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, ông McConnell cho rằng cơ hội để TPP nhận được sự ủng hộ ở Quốc hội trong năm nay là “khá nhỏ”, và rằng Thượng viện Mỹ có thể chờ cho đến khi tổng thống mới lên nắm quyền.
Trong khi đó, ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã ủng hộ TPP khi bà còn giữ cương vị ngoại trưởng, song đã bất ngờ thay đổi quan điểm sau khi thỏa thuận này hoàn tất quá trình đàm phán hồi năm ngoái. Bà cho rằng các điều khoản trong TPP không đáp ứng được “yêu cầu cao” của bà trong việc tạo ra việc làm cho người dân, giúp tăng thu nhập và tăng cường an ninh quốc gia.
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington của Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 2/8 là nhằm thúc đẩy TPP và tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Singapore. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, ông Lý Hiển Long đã cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ đánh mất uy tín và làm tổn hại quan hệ với các đồng minh ở châu Á nếu Quốc hội nước này không thông qua TPP. Ông cho rằng thỏa thuận đã vượt qua bước quan trọng nhất là quá trình đàm phán, và giờ nếu TPP không được thông qua thì “sẽ có nhiều người cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Tâm lý sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài”.