Theo trang The Guardian (Anh), trong những ngày gần đây, Ai Cập tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia vào việc cho phép chuyển hàng viện trợ vào Gaza. Cairo cũng cho biết họ có kế hoạch tham gia vụ kiện Israel do Nam Phi đệ trình tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Nước láng giềng Arab lớn nhất của Israel ngày càng tức giận vì hành vi của Tel Aviv trong cuộc chiến ở Gaza, khiến mối quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có kể từ hiệp ước hòa bình ký kết năm 1979.
Rafah - cửa khẩu nằm ở khu vực biên giới giữa Ai Cập và miền nam Gaza là tuyến đường quan trọng để viện trợ cho vùng lãnh thổ ven biển, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ngày càng sâu sắc và một số người có nguy cơ gặp nạn đói. Ngày 7/5, Israel giành quyền kiểm soát cửa khẩu này khi đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Rafah.
Việc Israel kiểm soát cửa khẩu này được coi là vi phạm Hiệp định Philadelphi, được bổ sung vào hiệp ước hòa bình Israel - Ai Cập năm 2005 sau khi sơ tán các khu định cư ở Gaza của Israel và được thiết kế để điều chỉnh biên giới giữa Gaza và Ai Cập.
Trước khi Israel tiếp quản cửa khẩu này, giới chức Ai Cập đã công khai cảnh báo bất kỳ động thái nào như vậy cũng là lằn ranh đỏ có thể khiến hiệp ước hòa bình này gặp nguy hiểm.
“Chìa khóa để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza hiện nằm trong tay những người bạn Ai Cập của chúng ta”, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Israel Katz, cho biết.
Vị quan chức này cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Anh và Đức về “sự cần thiết phải thuyết phục Ai Cập mở lại cửa khẩu Rafah”.
Ai Cập cho biết cửa khẩu Rafah vẫn mở cửa trong suốt cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Cairo là một trong những nhà trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas vốn đang bị đình trệ. Tuy nhiên, mối quan hệ của nước này với Israel đã trở nên căng thẳng trong cuộc xung đột, đặc biệt kể từ khi Israel đưa quân vào Rafah.
Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế khác cho biết việc đóng 2 cửa khẩu vào miền nam Gaza – Rafah và Kerem Shalom do Israel kiểm soát – gần như đã cắt đứt vùng lãnh thổ này khỏi nguồn viện trợ từ bên ngoài.
Hôm 15/5, truyền thông Israel đưa tin Cairo - nơi có tổng cục tình báo từ lâu đóng vai trò trung gian hòa giải chính giữa Israel và Hamas - có thể rút khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn.
“Tình hình với Ai Cập hiện nay đang tồi tệ nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Khi bắt đầu cuộc xung đột, Ai Cập tỏ ra hiểu rõ lập trường của chúng tôi. Giờ đây, họ cố tình cản đường và cố gắng chấm dứt chiến tranh với chúng tôi”, một quan chức giấu tên nói với tờ Haaretz.
Giới lãnh đạo Ai Cập đã buộc phải thực hiện hành động cân bằng phức tạp do cuộc chiến ở Gaza. Một mặt, những người Ai Cập bình thường và giới tinh hoa chính trị có sự đồng cảm đối với hoàn cảnh của người Palestine. Tuy nhiên, trái ngược quan điểm đó là quyết tâm không ủng hộ nỗ lực của Israel nhằm sơ tán người Palestine từ Gaza tới Ai Cập - mối quan ngại lâu dài ở Cairo. Ai Cập cũng không muốn bị coi là chấp nhận “tình hình mới”, trong đó Israel kiểm soát toàn bộ biên giới của Gaza, bao gồm cả với Ai Cập.
Ông HA Hellyer, chuyên gia về an ninh Trung Đông tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie và Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, nhận định: “Nếu xảy ra tình thế khó khăn thì đó là vì người Ai Cập muốn giúp đỡ Gaza, nhưng mối quan tâm chính trị áp đảo là Ai Cập không muốn bị coi là đồng lõa trong việc dập tắt chính nghĩa của người Palestine. Đó là điều sẽ xảy ra nếu người dân rời khỏi Gaza”.
Ông Hellyer không tin rằng hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel đang gặp nguy hiểm, nhưng ông nhận thấy những động thái gần đây của Cairo, bao gồm cả quyết định can thiệp vào vụ kiện Nam Phi tại ICJ, nhằm mục đích báo hiệu rằng có thể họ sẽ không hợp tác trong hoàn cảnh hiện tại.
“Nội dung của ICJ một phần là về Rafah, nhưng đây cũng là đỉnh điểm khi Ai Cập cố gắng gây áp lực gián tiếp và sau đó trực tiếp hơn lên Israel về cuộc xung đột, bằng cách đàm phán với Mỹ và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế. Đây một trong những yếu tố khác đẩy phẫn nộ của Ai Cập lên đỉnh điểm”, ông Hellyer nói.