Trung Đông – Món quà chia tay tốt đẹp Tổng thống Trump để lại cho ông Biden

Trong số những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump để lại cho người kế nhiệm Joe Biden, Trung Đông có lẽ là món quà chia tay tốt đẹp nhất khi khu vực này đã ổn định hơn trong 4 năm vừa qua.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tại lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng ngày 15/9. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo tờ Foreign Policy, ông Trump thành công với Trung Đông vì ông là tổng thống duy nhất có thể bác bỏ những giả định và chiến lược sai lầm. Chính quyền của ông đã theo đuổi một chính sách Trung Đông thành công. Chính sách này thành công vì đã thách thức những giả định thâm căn cố đế.

Do đó, khi những tranh cãi quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, ông Trump sẽ chuyển giao cho ông Biden một khu vực Trung Đông ổn định hơn và một mạng lưới đồng minh mạnh hơn cách đây 4 năm. Đây là một di sản đáng giá mà phe Dân chủ cần trân trọng.

Thành công của ông Trump khiến giới chỉ trích ông ngạc nhiên. Lúc đầu, nhiều người khẳng định rằng nếu ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch Hành động chung toàn diện), Mỹ sẽ cô độc và không thể duy trì trừng phạt kinh tế đa phương với Iran. Nhưng cuối cùng, dù các nước châu Âu cùng tham gia ký thỏa thuận có thể phàn nàn về động thái của Mỹ nhưng các doanh nghiệp châu Âu đều tuân thủ lệnh trừng phạt. 

Điều tiếp theo mà mọi người thường lầm tưởng về Iran cũng không xảy ra. Trước nay, người ta vẫn nghĩ nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Iran sẽ nhanh chóng phát triển bom hạt nhân.

Trong thực tế, Iran đã tăng tốc một số phần trong hoạt động hạt nhân, nhưng nước này vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể sở hữu loại bom này. Việc các cơ sở hạt nhân của Iran bị các nhân tố tình báo nào đó phá hoại thời gian qua càng khiến cho mục tiêu sở hữu bom hạt nhân xa hơn với Iran.

Một điều mà dư luận phán đoán sai nữa là việc Tổng thống Trump ra lệnh sát hại Qassem Suleimani - Tư lệnh lực lượng Quds của Iran – sẽ khiến chiến tranh nổ ra. Trong thực tế, vụ việc chỉ khiến Iran phản ứng bằng một vụ tấn công tên lửa vào một khu vực hầu như không có người trong căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Hơn nữa, Iran còn cảnh báo trước Mỹ về vụ này thông qua Thụy Sĩ. 

Thực tế là lãnh đạo Iran đều sẵn sàng đàm phán với bất kỳ ai được công nhận là tổng thống Mỹ trong năm tới. Theo tờ Foreign Policy, Iran muốn ổn định đồng nội tệ, bảo vệ người dân khỏi lệnh trừng phạt và hiểu rằng con đường tới nền kinh tế và hệ thống tài chính oàn cầu phải chạy qua Washington.

Vấn đề là những người Mỹ có thể sẽ đàm phán với Iran sau ngày 20/1/2021 tới có thể không coi trọng chiến lược gây sức ép tối đa mà ông Trump đã áp dụng. Do đó, họ có thể không tận dụng được nhiều lợi thế khi đàm phán.

Trong nhiều thập kỷ qua, người ta vẫn cho rằng Israel không thể hòa nhập ở Trung Đông trừ khi đạt được thỏa thuận với Palestine. Lập luận này không hề phù hợp với thực tế mà Mỹ đã trải qua trong quá trình hòa giải giữa Israel và thế giới Arab. Hiệp ước Trại David được ký kết giữa Ai Cập và Israel theo sáng kiến của cựu Tổng thống Jimmy Carter khiến người Palestine tức giận. Jordan ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1994 khi vấn đề Palestine một lần nữa không được giải quyết. Vậy nhưng liên tiếp các chính quyền Mỹ đã chỉ định các đặc phái viên, lãng phí thời gian, công sức chính trị vào một cuộc xung đột mà chưa thể tìm ra giải pháp.

Đến lượt mình, Tổng thống Trump và các cố vấn không để cho lịch sử đè nặng lên vai. Họ không chú ý mấy tới những tiền lệ trước đó và không công du con thoi giữa Ramallah và Jerusalem với hy vọng khiến hai bên phục tùng ý chí của mình. 

Ảnh hưởng của Iran đã tạo ra cơ hội khi các lãnh đạo người Arab dòng Sunni quan tâm hơn tới ý đồ của Iran hơn là nguyện vọng của người Palestine. Và thế hệ người Arab mới không có hứng thú với cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu.  

Dù vậy, đây vẫn là cơ hội mà chỉ một tổng thống Mỹ có tư tưởng thù địch với Iran mới có thể tận dụng. Sự thù địch với Iran chính là niềm tin trong thế giới Arab ngày nay. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã đi đầu trong thiết lập hòa bình với Israel. Tiếp đó là Bahrain.

Có thể sẽ có nhiều hiệp ước hòa bình nữa được ký kết nếu ông Biden không quay lại con đường thời trước Tổng thống Trump. Tờ Foreign Policy nhận định rằng khi không còn tình đoàn kết với các nước Arab, người Palestine sẽ thức tỉnh và quay lại bàn đàm phán.

Tất nhiên, Trung Đông không chỉ là khu vực mà các quốc gia tranh giành ảnh hưởng. Đó còn là nơi diễn ra xung đột sắc tộc dữ dội và nội chiến. Vấn đề của thế giới Arab có thể không biến mất.

Trong chục năm qua, Mỹ và đồng minh thường bị các nhân tố phi nhà nước đe dọa như các lực lượng ủy nhiệm dòng Shiite ở Iraq, khủng bố Nhà nước Hồi giáo, phong trào Hezbollah. Tổng thống Trump đã đủ mạnh để duy trì chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo và cuối cùng đã biến “vương quốc” của chúng thành gạch vụn. Dưới thời ông, nhóm Hezbollah cũng giảm ảnh hưởng và bớt nguy hiểm hơn với đồng minh của Mỹ.

Do vậy, việc Tổng thống Trump phá vỡ các quy chuẩn ở Trung Đông lại khiến khu vực này ổn định hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ khẳng định duy trì ưu thế quân sự của Israel ở Trung Đông    
Mỹ khẳng định duy trì ưu thế quân sự của Israel ở Trung Đông    

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, ngày 22/10, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tái cam kết duy trì ưu thế quân sự của Israel ở khu vực Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN