Thương hiệu cà phê Starbucks của Mỹ mở cửa hàng tại Trung Quốc. |
Ngày 1/8, cuốn tạp chí Politico đưa tin “ban cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump đang ngồi bàn bạc bí mật để hình thành một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Trung Quốc” vì nước này “không nỗ lực ngăn Triều Tiên xây dựng vũ khí hạt nhân”.
Dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ, tạp chí kết luận quyết định cuối cùng về các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm các lệnh hạn chế thương mại, sẽ sớm đưa ra trong tuần này.
Bình luận về loạt tin tức của truyền thông Mỹ về các lệnh trừng phạt, một nhà kinh tế Trung Quốc nổi tiếng xin phép được giấu tên bức xúc trước thực tế không thể chấp nhận được khi nói tới Bắc Kinh như thể đó là một “tiểu quốc”.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, chuyên gia nhận định: “Đầu tiên, Trung Quốc và Triều Tiên là quốc gia láng giềng, trong khi Mỹ và Triều Tiên bị ngăn cách bởi Thái Bình Dương. Với vị trị như vậy, đối với Trung Quốc, không giống như đối với Mỹ, chương trình hạt nhân Triều Tiên còn một vấn đề nóng hơn”.
Tuy nhiên chuyên gia Trung Quốc giải thích lý do khiến việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên lâm vào tình trạng bế tắc hiện nay không phải là do cách tiếp cận của Trung Quốc. Nó không thể được giải quyết chỉ với nỗ lực đơn phương của Trung Quốc hay biện pháp trừng phạt của Mỹ. Và khi vấn đề không được giải quyết, thì Trung Quốc không thể trở thành đối tượng duy nhất phải chịu mọi trách nhiệm.
Bên cạnh đó, nhà kinh tế này còn cho rằng không nên có bất kỳ mối liên hệ nào giữa sự hợp tác thương mại Trung – Mỹ và vấn đề nội bộ của nước Mỹ, cũng như không nên để nó ảnh hưởng tới các quốc gia khác.
Được hỏi về đoạn tweet của Tổng thống Trump bày tỏ nỗi thất vọng với Trung Quốc khi không làm gì để ngăn cản Triều Tiên ngoài việc nói mồm và ông sẽ không để tình trạng này tiếp diễn, chuyên gia Trung Quốc nhận xét: “Nếu như bất kỳ quốc gia nào gắn các yếu tố chính trị vào các mối quan hệ kinh tế và thương mại, thì chỉ càng làm chỗ đứng trên thế giới không vững chắc. Tổng thống Trump thích tạo ra một hình ảnh giả với sự trợ giúp của mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên mánh khóe đó chỉ có tác dụng đối với các nước nhỏ và không hiệu quả với Trung Quốc. Trung Quốc có khả năng bảo vệ vị thế của mình”.
Trong khi đó, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc có thể phản công với bằng một cuộc chiến tranh thương mại, nhằm vào các công ty Mỹ.
Đứng đầu trong danh sách các công ty Mỹ bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một cuộc chiến tranh thương mại sẽ là các hãng phim Hollywood. Doanh thu phòng vé của Trung Quốc trong năm 2016 là 6,7 tỷ USD, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ trong danh sách các quốc gia xếp doanh thu từ cao xuống thấp, trong đó có 42% doanh thu là của phim nước ngoài. Hiện chính quyền Bắc Kinh chỉ cho phép tối đã một năm nhập 36 phim nước ngoài, và chia phần trăm cho các hãng phim nước ngoài chỉ có 25%. Các hãng phim lớn của Hollywood trong thời gian qua đã tích cực vận động hành lang Trung Quốc cho phép tăng hạn ngạch phim nhập cũng như được chia phần trăm doanh thu nhiều hơn.
Công ty chịu thiệt hại nặng nề thứ hai sẽ là tập đoàn hàng không lớn Boeing. Theo một báo cáo công bố tháng 11/2016 của Boeing, trong 20 năm tới, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần thêm 6.800 máy bay mới với tổng trị giá lên tới 1 nghìn tỷ USD, trong khi đối thủ Airbus có thể cung cấp hợp đồng 6.000 máy bay với giá 954 tỷ USD.
Việc bán máy bay cho Trung Quốc có thể giúp Boeing hỗ trợ việc làm cho 150.000 người Mỹ. Tập đoàn Boeing cũng lên kế hoạch mở cơ sở hoàn tất nước ngoài đầu tiên cho 737 máy bay trong năm tới, tại thành phố Chu San (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), trong khi đối thủ Airbus đã đến công đoạn cuối cùng trong việc hoàn tất máy bay A320 ở thành phố Thiên Tân.
Ngoài ra, tập đoàn công nghệ Apple, thương hiệu cà phê Starbucks, tập đoàn sản xuất ô tô General Motors, Ford và chuỗi siêu thị Wal-Mart cũng sẽ bị mất đi thị trường lớn trong trường hợp Trung Quốc trả đũa.