Theo đài Sputnik, Trung Quốc đang tiến tới mục tiêu phi đô la hóa nền kinh tế, khi tiết lộ vào hôm 7/8 rằng Bắc Kinh đã mua vàng dự trữ trong 9 tháng liên tiếp và dự trữ ngoại tệ của nước này thậm chí còn cao hơn dự đoán của các chuyên gia phương Tây.
Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết trong tháng 7 vừa qua, họ đã mua khoảng 23 tấn vàng, nâng tổng kho dự trữ vàng của nước này lên mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức 2.137 tấn. Kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã bổ sung khoảng 188 tấn vàng vào kho dự trữ.
Ngoài ra, PBOC thông báo dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng 11,3 tỷ USD trong tháng 7, đạt mức 3,02 nghìn tỷ USD - cao hơn mức các chuyên gia phương Tây dự đoán.
Ông Chris Devonshire-Ellis – Chủ tịch Dezan Shira & Associates, nhà đầu tư và kinh doanh với kinh nghiệm 30 năm ở Trung Quốc, Nga và châu Á – nhận định, nỗ lực dự trữ vàng Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu bởi mục tiêu ổn định kinh tế, với mối đe doạ nợ quốc gia của Mỹ bị chính trị hóa.
“Rõ ràng, Trung Quốc đang đa dạng hóa danh mục đầu tư và củng cố vững chắc kho dự trữ của nước này. Dự trữ vàng luôn là một hàng rào đáng tin cậy trong thời kỳ khủng hoảng”, ông nhận định.
Nhà đầu tư này giải thích Trung Quốc không thể giảm đáng kể khoản nợ của Mỹ mà họ đang nắm giữ tại bất kỳ thời điểm nào, vì điều này sẽ làm giảm giá trị của khoản nợ còn lại và làm đảo lộn cán cân thương mại toàn cầu bằng USD. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể dần thực hiện điều này. Đây dường như là chiến lược dài hạn và việc chuyển khoản nợ của Mỹ thành các mặt hàng khác có thể mất vài thập kỷ trong điều kiện bình thường.
“Mỹ sẽ chạm trần nợ một lần nữa vào năm tới, họ có thể vỡ nợ”, ông Devonshire-Ellis chỉ ra.
Ông lưu ý rằng khi so sánh, Nga nợ nước ngoài rất ít, thực tế không có dự trữ USD và đồng rúp đã ổn định ở mức định giá thương mại hợp lý và bền vững, hỗ trợ năng suất nội địa và xuất khẩu của nước này.
“Trung Quốc đang thực hiện chiến lược 'hy vọng điều tốt nhất' với mong muốn Mỹ không sớm vỡ nợ. Tôi nghĩ Bắc Kinh chưa sẵn sàng hứng chịu hậu quả đó, nhưng đây là chiến lược 'chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất”, ông Devonshire-Ellis nói.
Nhà đầu tư này nhấn mạnh Trung Quốc đang tiếp tục chuyển đổi nợ và tiền tệ của Mỹ thành các lựa chọn thay thế, bao gồm dự trữ nhiều loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ, đồng rupee Ấn Độ, yên Nhật, dirham của UAE và đồng rúp của Nga. Thậm chí, nước này còn lựa chọn các loại tiền tệ ít được giao dịch hơn – như đồng rial của Brazil, đồng peso của Mexico, một số loại tiền tệ của châu Phi cũng như các loại tiền của Trung Á.
Theo ông, vàng hoạt động như một hàng rào để ngăn chặn kịch bản tồi tệ và để hỗ trợ những loại tiền tệ khác, nếu cần. Người Trung Quốc có thể ổn định những đồng tiền nhỏ hơn này bằng dự trữ vàng.
“Người Trung Quốc không quá quan tâm đến những gì xảy ra trong nền kinh tế Mỹ, bởi họ không đầu tư nhiều vào thị trường này. Tuy nhiên, họ quan tâm đến các nền kinh tế gần Trung Quốc hơn và với những nền kinh tế có quan hệ chuỗi cung ứng quan trọng với họ - như Brazil, Trung Á, Nga, Trung Đông và châu Phi - cả hiện tại và tương lai. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc dự trữ vàng để bảo vệ những điều đó, chứ không phải mối quan hệ với USD”, ông nói.
Ông Paul Goncharoff, nhà tư vấn quản lý tại Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Moskva, nói rằng niềm tin vào đồng USD đã “bốc hơi”, khiến tất cả các quốc gia ngoài G7 đang tranh giành những nơi tốt hơn để bảo đảm tài sản.
Ông Goncharoff nói: “Chúng ta đang trong quá trình trải qua những tuần và tháng hỗn loạn. Trung Quốc là một trong những nước nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ bằng đồng USD lớn nhất. Chỉ trong 12 tháng qua, họ đã đổi 100 tỷ USD để mua vàng như một phương tiện để thoát khỏi mối đe dọa tiềm ẩn. Các giao dịch mua vàng ở Trung Quốc đã được thực hiện theo từng đợt nhỏ. Trong năm qua, các giao dịch này đã tăng lên đáng kể. Điều này đã diễn ra trong vài năm và dường như đang tăng tốc”.
Theo vị chuyên gia này, rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là việc đóng băng tài sản USD. Điều đó phản ánh tâm lý rủi ro của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các quốc gia không thuộc nhóm G7 trên thế giới.
Nhà tư vấn Goncharoff cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục bán phá giá đồng USD đang nắm giữ và chuyển sang dự trữ vàng. Hơn nữa, chưa rõ Mỹ có áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc như họ đã thực hiện với Nga không. Ngoài ra, Bắc Kinh chắc chắn nắm giữ tiền tệ bằng đồng rúp, rupee, riyal, …nhưng chúng không ổn định và vẫn bị ảnh hưởng bởi chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vì vậy, để bảo toàn giá trị (khi đồng USD đã mất 97% giá trị trong 100 năm qua), vàng vẫn là một phương tiện an toàn và khả thi, đặc biệt là trong những thời điểm khủng hoảng.
Dẫu vậy, khi so sánh với USD, đồng nhân dân tệ vẫn có nhược điểm vì không phải là đồng tiền dự trữ mặc định của thế giới.
“Tuy nhiên, Trung Quốc đang ở vị thế tương đối mạnh để hỗ trợ đồng nhân dân tệ, khi cấu trúc của hệ thống kinh tế nước này hoàn toàn dựa trên sản xuất, không phải nền kinh tế dịch vụ. Đây là nền tảng cho tuổi thọ và tính bền vững, dẫu có bất kể điều gì xảy ra với các loại tiền tệ trong tương lai”, ông Goncharoff nói.
Hơn nữa, xu hướng dự trữ vàng đang rất phổ biến. Các đồng minh châu Âu của Mỹ, như Ba Lan, cũng đã tăng dự trữ vàng thêm 14,8 tấn vào mùa xuân vừa qua.
“Xu hướng phi đô la hóa là không thể ngăn cản khi niềm tin vào loại tiền tệ này đã ‘bốc hơi’. Về bản chất, việc phi chính trị bất kỳ loại tiền pháp định nào - do khủng hoảng chính trị toàn cầu gây ra, thông qua các biện pháp trừng phạt, đóng băng hay các biện pháp tương tự - cũng rất khó xảy ra. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là điều này sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Do đó, biện pháp dự trữ vàng đã được thử nghiệm qua nhiều thế kỷ”, ông nói.