Phong trào Hồi giáo Hamas được cho là chấp thuận nghị quyết về một lệnh ngừng bắn tại Gaza trước đó đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua và bày tỏ việc sẵn sàng đàm phán.
Sáng 11/6, Tổng thống Mahmud Abbas của chính quyền Palestine đã hoan nghênh việc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết do Mỹ bảo trợ ủng hộ thiết lập một kế hoạch ngừng bắn tại Dải Gaza. Văn phòng của ông Abbas đưa ra tuyên bố nêu rõ ông Abbas coi việc đưa ra nghị quyết này là một bước đi đúng hướng để chấm dứt các cuộc xung đột gây tổn hại cho người dân ở dải đất này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters cùng ngày, quan chức cấp cao Hamas Sami Abu Zuhri cho biết lực lượng này ủng hộ nghị quyết.
“Chính quyền Mỹ đang phải đối mặt với một thử thách thực sự trong việc thực hiện các cam kết buộc lực lượng chiếm đóng phải chấm dứt ngay lập tức chiến tranh và thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, ông Zuhri nhấn mạnh.
8 tháng kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát kể từ cuộc tập kích xuyên biên giớ ngày 7/10 năm ngoái, 14 trên tổng số 15 thành viên HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết về một lệnh ngừng bắn ở Gaza vào ngày 10/6, hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến đã khiến hơn 37.000 người Palestine thiệt mạng. Nghị quyết này do Mỹ đề xuất.
Sau khi nghị quyết được thông qua, bày tỏ trên tài khoản xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Hamas nói họ muốn một lệnh ngừng bắn. Thoả thuận này là cơ hội để họ chứng minh họ thực sự mong muốn điều đó”.
Có gì bên trong thoả thuận tiềm năng?
Theo báo Mỹ Newsweek, trong ngày 31/5, Tổng thống Biden đã công bố một kế hoạch ba giai đoạn nhằm chấm dứt chiến tranh tại Gaza.
Giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và bao gồm lệnh ngừng bắn "đầy đủ và hoàn chỉnh", như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza và thả một số con tin bao gồm cả phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine. Số lượng con tin được trao trả chưa được công bố chi tiết.
Trong giai đoạn này, thường dân Palestine sẽ trở về nhà và khu vực lân cận của họ ở tất cả các khu vực của Gaza, trong khi hỗ trợ nhân đạo sẽ tăng lên 600 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày. Giai đoạn đầu tiên cũng sẽ bao gồm các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas để đi đến giai đoạn tiếp theo của đề xuất.
Giai đoạn thứ hai được Tổng thống Biden miêu tả là “giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nói thêm các cuộc đàm phán để đi đến giai đoạn thứ hai có thể mất hơn 6 tuần vì sẽ có những khác biệt giữa hai bên. Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong thời gian này cho đến khi "đạt được tất cả các thỏa thuận" để bắt đầu giai đoạn thứ 3. Theo ông Biden, trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin còn sống sẽ được thả, bao gồm cả binh sĩ nam.
Trong giai đoạn thứ ba, Tổng thống Biden cho biết sẽ bắt đầu triển khai một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza và hài cốt của các con tin thiệt mạng sẽ được trao trả cho gia đình.
Trong thỏa thuận tái thiết Gaza, các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế cũng sẽ tham gia đảm bảo Hamas không tái vũ trang. Tổng thống Biden nói thêm Washington sẽ hợp tác với các đối tác để xây dựng lại nhà cửa, trường học và bệnh viện ở Gaza, nơi chiến tranh đã khiến gần 2,3 triệu dân phải di dời và gây ra nạn đói trên diện rộng.
Nghị quyết ngừng bắn cũng bác bỏ mọi thay đổi về nhân khẩu học hoặc lãnh thổ ở Gaza, “bao gồm mọi hành động nhằm thu hẹp lãnh thổ” của Palestine. Trong một bản dự thảo đề xuất trước đây, yêu cầu này bao gồm “vùng đệm” ở Gaza, song đến nghị quyết này, ngôn từ đã được chỉnh sửa. Người Palestine và các nhà hoạt động bày tỏ lo ngại Israel đang có kế hoạch trục xuất người Palestine khỏi Gaza, tương tự như những gì đã xảy ra ở Nakba vào cuối những năm 1940.
Một điểm khác của nghị quyết lần này với những đề xuất trước là hiện tại, nghị quyết đề cao “lệnh ngừng bắn vĩnh viễn” thay vì chỉ kêu gọi tạm dừng giao tranh. Ngoài ra, các nghị quyết trước đây cũng không nhấn mạnh việc rút lực lượng Israel khỏi Gaza.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các nhà lãnh đạo Hamas muốn chiến tranh chấm dứt vĩnh viễn. Tuy nhiên, mong muốn này lại luôn vấp phải sự phản bác từ Israel, với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh Israel sẽ chỉ kết thúc chiến tranh khi “tiêu diệt” sạch Hamas và trả tự do những người con tin đang bị giam giữ
Đại diện của Israel tại LHQ, Reut Shapir Ben-Naftaly, cho biết chiến tranh sẽ không kết thúc cho đến khi năng lực Hamas bị “chặt bỏ”, đặt ra nghi vấn liệu Israel có ủng hộ nghị quyết mới nhất hay không.
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa tất cả con tin trở về nhà và triệt tiêu khả năng của Hamas, đảm bảo Gaza không gây ra mối đe dọa cho Israel trong tương lai", bà Shapir nhấn mạnh.
Hasan Barari, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Qatar, nói với hãng tin Al Jazeera chỉ ra mặc dù văn bản nghị quyết ngày 31/5 mà Tổng thống Biden công bố là kết quả của sự phối hợp giữa Nhà Trắng và chính phủ Israel, ngầm ám chỉ Israel phần nào chấp thuận đề xuất ngừng bắn, song câu trả lời cho việc Israel có chấp nhận ngừng bắn vĩnh viễn hay không lại còn bỏ ngỏ.
Theo truyền thông địa phương, các quan chức và lãnh đạo của Israel chỉ trích kế hoạch hòa bình được LHQ. Trang tin Ynetnews của Israel đưa tin cách diễn đạt của nghị quyết không phản ánh thỏa thuận mà Israel đã đồng ý. Trang web dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Israel cho biết nghị quyết này hạn chế quyền tự do hành động của Israel.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hiện đang ở Trung Đông thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn, nói với các phóng viên rằng tuyên bố của Hamas là "một dấu hiệu đầy hy vọng". Nhà ngoại giao cấp cao này của Mỹ cũng sẽ có buổi làm việc với các nhà lãnh đạo Israel trong ngày 11/6.