Theo trang Defensenews, các chiến thuật cơ động cao, công nghệ tiên tiến và đòn tâm lý để khắc phục những thách thức trên chiến trường đều đóng góp vào thành công bước đầu của Ukraine trong xung đột với Nga.
Nhưng việc duy trì một thành công bền vững trước một đợt động viên quân sự lớn của Nga, như được công bố ngày 21/9, sẽ đồng nghĩa các lực lượng Ukraine cần được huấn luyện nhiều hơn, trang bị vũ khí đạn dược tốt hơn, đặc biệt khi mùa Đông đang tới gần.
Trong một động thái thể hiện sự ràng buộc của Ukraine với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, tướng nghỉ hưu Volodymyr Havrylov vừa có bài phát biểu thẳng thắn tại Hội nghị thường niên về Năng lực Lực lượng Tương lai của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Mỹ.
“Nếu các bạn có một số ý tưởng, hoặc một số dự án thử nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt, hãy gửi nó cho chúng tôi và chúng tôi có thể giải thích cách chúng hoạt động ra sao. Cuối cùng các bạn sẽ nhận được sự thực chứng bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Các bạn sẽ bán chúng dễ dàng”.
Thứ trưởng Havrylov đề cập đến việc một số công ty khởi nghiệp giấu tên đã làm việc này, họ đưa các sản phẩm chưa được khai thác cho giới chức mua sắm quốc phòng Ukraine, đặc biệt là công nghệ chống máy bay không người lái, chống nhiễu. “Rồi họ quay về với một sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường vì nó đã được thử nghiệm thực chiến trên chiến trường”, ông Havrylov nói.
Phát biểu của tướng Havrylov được đưa ra trước hàng trăm quan chức ngành công nghiệp quốc phòng và mua sắm quân sự Mỹ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên một phần, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.
Lệnh động viên của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Ukraine tuyên bố một số chiến thắng ở khu vực đông bắc và nam nước này, giành lại thêm các vùng lãnh thổ, đẩy lui lực lượng Nga.
Thứ trưởng Havrylov cũng chỉ ra những thành công và thách thức ban đầu mà ông cho rằng quân đội Ukraine đã vượt qua. Ông tỏ ra nghi ngờ lệnh động viên quân của Điện Kremlin sẽ đạt hiệu quả, vì ông cho rằng Nga không thể trang bị cho những người lính mà họ đang có, chứ đừng nói đến thêm 300.000 quân khác chưa được huấn luyện.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi không sợ lệnh động viên này ở Nga”, ông Havrylov nói.
Tuy nhiên, theo vị tướng Ukraine, Kiev cần một loạt ưu tiên phần cứng trong trường hợp cuộc xung đột leo thang và chiến thuật của Nga thay đổi. Số vũ khí này bao gồm máy bay không người lái chiến đấu, các hệ thống tác chiến điện tử, xe bọc thép, vũ khí chống tăng và hỏa lực chính xác xa hơn.
Thứ trưởng Havrylov nhấn mạnh rằng các chiến thuật của Ukraine nhằm giúp các đơn vị chiến đấu của họ di chuyển nhanh hơn, có khả năng phân tán, cơ động cao đã trở thành thách thức với các lãnh đạo quân sự Nga, vốn tiếp tục sử dụng lối đánh dựa trên vị trí và hỏa lực. Theo ông, thành công quân sự của Ukraine phụ thuộc vào khả năng di chuyển. Tuy nhiên, giới chức quân sự Nga đã nắm được chiến thuật này, đối phó bằng cách giữ khoảng cách đối phó khiến nhiều loại vũ khí của Ukraine kém hiệu quả hơn.
Ông Havrylov chỉ ra một ví dụ là tên lửa vác vai đất đối không Javelin. Trong giai đoạn đầu các lô Javelin được Mỹ gửi tới đã giúp người Ukraine phá hủy nhiều xe tăng hiện đại của Nga. Sau đó người Nga đã lưu ý điều đó. “Javelin thì tốt nhưng chỉ có tầm bắn 2,5km. Nga đã dừng lại trước chúng tôi ở khoảng cách gần 5km”.
Ông đề xuất được Mỹ cấp các hệ thống chống tăng với tầm bắn 6 km hoặc máy bay không người lái tấn công liều chết.
Cũng giống như xe tăng và Javelin, ông Havrylov cho biết các lực lượng Ukraine đã sử dụng Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS) để tấn công các kho đạn và đường tiếp tế. Nhưng hiện tại quân đội nga đã di chuyển hầu hết các vị trí quân đội tới nơi mới cách ít nhất là 100km, bên ngoài phạm vi hỏa lực của Ukraine.
Thứ trưởng Havrylov nói: “Nếu chúng tôi có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 200 km thì đó sẽ là một thảm họa toàn diện đối với Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS)”.
Chính quyền Tổng thống Biden cho đến nay vẫn coi việc chuyển giao ATACMS có khả năng làm leo thang xung đột vì nó cho phép Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga. Ông Havrylov lập luận rằng Ukraine không có kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Nga mà chỉ đặt mục tiêu giành lại những vùng lãnh thổ bị mất quyền kiểm soát.
Theo ông Havrylov, người Ukraine cần các nền tàng vũ khí bọc thép để tiếp tục “chiến thuật muỗi đốt”, đã được phát triển từ trước khi xung đột bùng phát. Theo đó, Kiev sử dụng các đơn vị nhỏ và máy bay không người lái để tấ công không ngừng. Chiến thuật này sẽ quan trọng hơn vào mùa Đông, nơi việc di chuyển phải đối mặt với gánh nặng thêm.
Viên tướng nghỉ hưu nói rằng, Ukraine sẽ “biết ơn" nếu có thêm các bệ thiết giáp và hệ thống phòng không cho các trận chiến mùa Đông.
Chỉ riêng Mỹ đã cung cấp hơn 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ cuối năm 2021, theo một thông cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 8 vừa qua. Ông Havrylov cho rằng những vũ khí phù hợp hơn là cần thiết trong những tháng tới. “Nếu bạn giao đúng mặt hàng vào đúng thời điểm cho đúng người thì sẽ có tác dụng thực sự trong cuộc chiến này”, ông nói.