Giải pháp tốt nhất
Trong bài phát biểu, ông Yatsenyuk cho biết đơn xin từ chức sẽ được ông trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội) ngày 12/4. Ông cũng cho biết quyết định từ chức của ông là do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Ông nói: “Trong khi thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo ổn định và tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm, tôi quyết định từ chức Thủ tướng Ukraine”.
Thủ tướng Ukraine A. Yatsenyuk quyết định từ chức. |
Ông Yatsenyuk cho biết đảng Khối Petro Poroshenko (BPP) đã đề cử Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groysman là người kế nhiệm ông. Ông cũng cam kết vận động “sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho Ukraine và để Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu và NATO”. Tuy nhiên, ông không đề cập đến vai trò chính trị nào mà ông sẽ đảm nhiệm trong tương lai hoặc ông sẽ thực hiện các mục tiêu đó bằng cách nào.
Ông Yatsenyuk, từng là một trong những thủ lĩnh của nhóm biểu tình ủng hộ châu Âu - Euromaidan, đã lãnh đạo Chính phủ Ukraine từ ngày 27/2/2014, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Ông vẫn tại nhiệm sau khi ông Petro Poroshenko được bầu làm Tổng thống. Việc Thủ tướng chủ động từ chức là giải pháp tốt nhất để thay đổi Chính phủ mà không cần tiến hành bầu cử trước thời hạn. Tổng thống Poroshenko đã phản đối việc tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Kể từ đầu năm 2016, không chỉ phe đối lập trong Quốc hội, mà cả các thành viên liên minh cầm quyền, và các nghị sĩ BPP đều bày tỏ bất mãn đối với hoạt động của Chính phủ. Họ cáo buộc nội các của ông Yatsenyuk kìm hãm cải cách. Tuy nhiên, nỗ lực duy nhất nhằm hạ bệ ông Yatsenyuk đã bất thành. Ngày 16/2, đa số nghị sĩ Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bày tỏ sự không hài lòng với công việc của nội các ông Yatsenyuk nhưng Quốc hội không hội đủ phiếu trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Chính quyền của Groisman
Ông Vladimir Groisman được bầu vào Quốc hội từ BPP, trước đó ông đã nhiều năm làm Thị trưởng thành phố Vinnitsa. Êkíp của Tổng thống Ukraine đã xem xét một số ứng viên vào cương vị thủ tướng, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Natalia Yaresko, Thị trưởng thành phố Lvov, Andrey Sadovy và ông Groisman. Kết quả là BPP đã đề cử ông Groisman.
Theo dự đoán của nhà phân tích chính trị Ukraine Vadim Karasev, Quốc hội có thể xem xét đơn từ chức của ông Yatsenyuk vào ngày 12/4. Khi đó Quốc hội có thể tuyên bố thành lập một liên minh mới và phê chuẩn Chính phủ mới. Việc cần làm đầu tiên là ký kết thỏa thuận liên minh, và sau đó đề cử thủ tướng và các bộ trưởng.
Chính phủ tương lai có thể có khác biệt nhiều so với nội các hiện hành. Theo ông Karasev, nhiều khả năng trong thành phần nội các mới sẽ xuất hiện Chánh văn phòng Tổng thống Boris Lozhkyn và sẽ không có những người được mời vào nội các hồi cuối năm 2014, vốn được gọi là bộ trưởng nước ngoài, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko. Cuối tháng 3/2016, trong một cuộc phỏng vấn với trang mạng “lề trái” Ukraine, ông Lozhkyn cho biết ông không xem xét khả năng tham gia nội các. Tuy vậy, theo trang mạng này, ông Lozhkyn có thể giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế.
Êkíp của ông Yatsenyuk muốn nhận được ít nhất 6 ghế Bộ trưởng (Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Phát triển Kinh tế và Bộ trưởng Nội các). Các vị trí còn lại có thể trao cho BPP là thành viên thứ hai trong liên minh. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng do Tổng thống trực tiếp chỉ định.
Thành viên Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), Igor Morozov khẳng định việc thay Thủ tướng Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Ukraine. Theo ông, chính sách của chính quyền Ukraine, sau khi thay đổi Chính phủ, vẫn phụ thuộc vào Washington. Dù ai đứng đầu Chính phủ, họ vẫn phải thống nhất với chính quyền Mỹ, và sẽ theo đuổi chính sách nhất định nào đó.