Chỉ hơn một tháng sau khi được Pháp, Đức và Mỹ “bật đèn xanh” để sử dụng đạn dược do các nước này cung cấp nhằm vào vùng lãnh thổ Nga gần biên giới với Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang thực hiện nỗ lực ngoại giao mới nhằm vượt qua một ranh giới đỏ khác của phương Tây, đặc biệt là Washington. Nhà lãnh đạo Ukraine đã nhắc lại trong các thông điệp qua mạng xã hội rằng các quyết định phải được “đưa ra” để Kiev có thể tiếp cận điểm phóng tên lửa của Nga ở bất kỳ khoảng cách nào.
“Các thành phố và cộng đồng của chúng ta hàng ngày phải chịu đựng những cuộc tấn công như vậy của Nga”, ông Zelensky phát biểu hôm 29/6, sau một vụ đánh bom khiến 7 người thiệt mạng ở vùng Zaporizhzhia.
“Có nhiều cách để khắc phục điều này - bằng cách tiêu diệt kẻ thù tại nơi chúng đang ở, loại bỏ các bệ phóng tên lửa của Nga, tấn công chúng bằng vũ khí tầm xa và tăng số lượng hệ thống phòng không hiện đại ở Ukraine”, ông Zelensky nói.
Chiến dịch ngoại giao mới này của nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến sẽ nhận được sự ủng hộ của một số đảng viên cả Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ.
Sự kiên trì chính trị mà nội các của tổng thống Ukraine thể hiện kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng phát vào tháng 2/2022 đã phát huy tác dụng. Các thông điệp được đưa ra một cách công khai trước công chúng và riêng tư với các chính phủ đồng minh, nhằm thuyết phục các nước phương Tây tăng cường phòng thủ cho Ukraine. Và nó đã có tác dụng: kể từ khi Paris, Berlin (cung cấp tên lửa Storm Shadow) và ngay sau đó là Washington (gửi HIMARS và ATACMS) hỗ trợ các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga để ngăn chặn cuộc tấn công ở Kharkov một tháng trước, số vụ đánh bom và số dân thường thiệt mạng ở tỉnh này đã giảm.
Với việc chủ động tấn công vào các khẩu đội S-300 và S-400 của Nga ở khu vực Belgorod, Kiev đã có thể ngăn chặn bớt các cuộc không kích dữ dội, bắt đầu từ tháng 5, vào khu vực Kharkov
“Các cuộc tấn công vào khu vực biên giới Nga đã giúp bảo vệ sinh mạng”, ông Zelensky nói trong một bản ghi âm vào ngày 30/6. “Các quyết định tiếp theo cũng vậy - những quyết định táo bạo phải được đưa ra, và chúng tôi đang thảo luận với các đối tác của mình”.
Nói cách khác, các quyết định được đưa ra cho đến nay vẫn chưa đi đủ xa. Ukraine muốn giành được sự ủng hộ để tấn công sâu hơn nữa vào lãnh thổ Nga, chứ không chỉ là vùng ven biên giới.
Kiev chủ yếu đang hướng lời kêu gọi tới Washington. Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc sử dụng đạn dược Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga dọc biên giới, nhưng ông không đưa tên lửa ATACMS, loại có tầm bắn xa hơn, vào phạm vi mới này.
Giám đốc điều hành Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine, Dmytro Zhmailo, giải thích trong một email trao đổi về tầm quan trọng của những quả đạn này: “Chúng có tầm bắn lên tới 300 km. Khu vực hủy diệt này bao gồm hơn 100 đơn vị quân đội và quan trọng nhất là khoảng 18 căn cứ không quân nơi máy bay Nga ném bom Ukraine.”
Hiện chưa rõ giới hạn chính xác mà Mỹ áp đặt cho việc sử dụng tên lửa chống lại lãnh thổ Nga. Vào ngày 21/6, tờ Washington Post dẫn tin các nguồn tin Ukraine cho biết, tầm bắn cách biên giới Ukraine chưa đầy 100km. Tờ báo cũng trích dẫn những tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong một cuộc phỏng vấn với đài PBS: “Đây không phải là vấn đề địa lý, mà là về lẽ thường. Nếu Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công từ lãnh thổ của mình vào Ukraine, việc cho phép Ukraine đánh trả các lực lượng đang tấn công họ từ bên kia biên giới là điều hợp lý.”
Nga đã phóng khoảng 800 quả tên lửa dẫn đường - giống như tên lửa đã tấn công Vilniansk - trong tuần cuối cùng của tháng 6. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov mới đây thông báo, từ đầu năm nay đến tháng 5, 10.000 quả đạn loại này đã rơi trên đất Ukraine. Những loại vũ khí này - có tầm ngắn và rẻ hơn so với các loại đạn khác - là cơn ác mộng thực sự đối với binh lính và dân thường ở các tỉnh biên giới Donetsk, Kharkiv và Sumi. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, 174 thường dân thiệt mạng trong tháng 5, trong khi 690 người bị thương - con số cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 6/2023.
Hiện tại, các sứ mạng tên lửa dẫn đường phóng từ lãnh thổ Nga đang nằm trong khoảng cách mà Ukraine không thể tiếp cận được bằng pháo binh.
Một "cơn ác mộng" khác đối với người Ukraine là bom lượn, loại bom có khả năng né tránh các hệ thống phòng không vì chúng không mang theo lực đẩy và sức nóng mà các radar phòng không thường thu được trước khi phóng tên lửa để đánh chặn.
Theo dữ liệu của chính phủ Ukraine, hơn 3.000 quả đạn loại này đã tấn công các mục tiêu tại nước này chỉ trong tháng 3. Giống như tên lửa dẫn đường, bom lượn có thể được phóng từ những khu vực xa ngoài tầm bắn của tên lửa Ukraine. Ngay cả khi nó được phóng bởi máy bay chiến đấu Nga ở gần biên giới, thì điểm xuất phát của những máy bay này thường ở khoảng cách xa hơn nhiều.
Đó là nơi Kiev muốn nhắm tới lúc này.
Zhmailo, một chuyên gia quân sự và chính trị, giải thích: “Các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân sẽ buộc bộ chỉ huy Nga phải rút máy bay khỏi khu vực có khả năng thiệt hại đến các điểm xa hơn biên giới Ukraine. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng máy bay chiến đấu của Nga: nó sẽ làm tăng thời gian để chúng bay đến địa điểm thả bom”. Lực lượng phòng thủ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để ứng phó, giúp các thành phố Ukraine trở nên an toàn hơn.
Hôm 3/7, một cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga đã nhằm vào Dnipro, thành phố nằm ở trung tâm đất nước, làm một số người thiệt mạng, gây hư hại một trung tâm mua sắm, trường học và nhà trẻ.
Sau vụ việc, ông Zelensky nhắc lại lời kêu gọi cung cấp thêm đạn dược cho hoạt động phòng thủ máy bay và nhiều cuộc tấn công tầm xa hơn nhằm vào các căn cứ của Nga. Tổng thống Ukraine cho biết trên trang Telegram của mình: “Chúng tôi đang tích cực trao đổi về tất cả những điều này với các đối tác của mình - ở mọi cấp độ”.
Hôm 1/7, một phái đoàn gồm các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã tới Kiev để gặp Tổng thống Zelensky. Sau cuộc họp, nghị sĩ Cộng hòa Mike Turner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói rằng Ukraine nên được phép tấn công “các mục tiêu quân sự hợp lệ” trên lãnh thổ Nga.
Vấn đề này trước đó đã được thảo luận tại cuộc họp ngày 26/6 của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nơi cả Nghị sĩ đảng Cộng hòa Joe Wilson và đảng Dân chủ Gregory Meeks đều thể hiện sự ủng hộ của họ trong việc dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine trong việc nhắm vào các mục tiêu quân sự bên trong Nga.