Ông Gabriel Attal, 34 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất của Pháp từ trước đến nay. Việc bổ nhiệm ông Attal diễn ra sau khi Thủ tướng Borne, 62 tuổi, cùng nội các đệ đơn từ chức sau 20 tháng tại nhiệm trong bối cảnh nước Pháp đang chuẩn bị đăng cai Olympic Paris 2024 và bầu cử nghị viện châu Âu vào mùa Hè. Theo giới quan sát, đây là bước đầu tiên trong một cuộc cải tổ rộng hơn dự kiến sẽ diễn ra tuần này, khi Tổng thống Macron tìm cách củng cố đội ngũ cho 3 năm cuối của nhiệm kỳ.
Ông Attal hứa hẹn mang đến một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm. Nếu bà Borne được đánh giá cao về sự nghiêm khắc và thẳng thắn, ông Attal lại là nhân vật được yêu thích nhất trong chính phủ sau thời gian đảm nhiệm bộ trưởng Giáo dục, một vị trí có tầm quan trọng chính trị.
Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao quyền lực, cựu Thủ tướng Borne bày tỏ tự hào về những việc bà đã làm được trong gần 20 tháng qua, trong bối cảnh rất nhiều những quan điểm bất đồng, khác biệt ở quốc hội và cả trong chính phủ. Với di sản là việc thông qua ngân sách, cải cách lương hưu, luật nhập cư, cùng hơn 50 văn bản luật nhằm giải quyết những thách thức của đất nước, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, bà tuyên bố: "Chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng đa số dự án theo tinh thần vượt mức mà Tổng thống đã đề ra vào năm 2017. Và sau đó, tôi cũng tự hào rằng nước ta hiện nay đã có quy hoạch sinh thái cụ thể và vững chắc."
Nhắc đến người kế nhiệm, bà Borne bày tỏ tin tưởng vào năng lực của ông Attal, cho rằng ông có quyết tâm và nghị lực để lãnh đạo chính phủ mới và thực hiện các dự án cần thiết cho đất nước, đồng thời cũng là người biết giữ lời hứa khi đảm nhận vai trò này.
Về phần mình, tân Thủ tướng Attal nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ vận mệnh quốc gia, phát huy những tiềm năng của nước Pháp và cam kết sẽ tập hợp các lực lượng năng động của đất nước trong tuần này nhằm tập trung vào “3 trục chính” là việc làm, kinh tế và tuổi trẻ. Tân Thủ tướng chia sẻ: “Đầu tiên sẽ là ưu tiên cho công việc. Làm việc luôn tốt hơn là không làm việc, nhất là trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp tục đè nặng lên cuộc sống của người dân Pháp. Tiếp theo là giải phóng nền kinh tế của chúng ta, đặc biệt là việc đơn giản hóa mạnh mẽ đời sống của các doanh nghiệp và doanh nhân. Và cuối cùng, đây chính là hành động kiên quyết mà chúng ta phải thực hiện đối với tuổi trẻ, đối tượng mà tài năng chỉ chờ cơ hội để được bộc lộ". Nhà lãnh đạo mới cũng không quên lời hứa sẽ ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục mà ông đang theo đuổi.
Giới quan sát nhận định Tổng thống Macron có nhiều lý do để "đặt cược" vào ông Attal. Đầu tiên, cựu phát ngôn viên chính phủ rất thân thiết và trung thành với người đứng đầu nước Pháp. Đây là một tiêu chí quan trọng, sau nhiều tháng khó khăn trong mối quan hệ giữa ông Macron và bà Borne. Tổng thống muốn dựa vào “năng lượng” và “cam kết” để thực hiện các tham vọng theo "tinh thần của năm 2017". Ông Attal chính là động lực mới giúp Tổng thống Macron tạo ra "năng lượng" đó trước thềm cuộc “đối thoại Tổng thống với người dân", dự kiến trong tháng 1 này.
Một năng lực khác của ông Attal khiến Tổng thống Macron lựa chọn là khả năng giao tiếp tốt. Tổng thống Macron muốn bổ nhiệm một nhân vật nổi tiếng, đi lên từ cánh tả, nhưng lại biết làm hài lòng cánh hữu. Trong các vị trí cấp bộ, hoặc với tư cách là người phát ngôn chính phủ, ông Attal luôn biết cách gây chú ý và khiến những cải cách của mình hoặc hoạt động của Nhà nước được chấp thuận. Sự kiên trì và những công thức thành công của ông được đánh giá cao, Tổng thống cũng sẽ có thể tin tưởng vào sự hiện diện mạnh mẽ của ông trên mạng xã hội để tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
Thêm vào đó, 6 tháng trước cuộc bầu cử châu Âu, ông Attal dường như cũng có vị thế tốt nhất để đối đầu với người đứng đầu danh sách đảng Tập hợp dân tộc (RN) cụ thể là ông Jordan Bardella. Hai nhân vật này đã từng đối đầu nhau trên truyền hình trước đây và có lý lịch tương tự nhau.
Tân Thủ tướng Attal từng là người phát ngôn chính phủ, Bộ trưởng Ngân sách và gần đây hơn là Bộ trưởng Giáo dục, hai lần được bầu làm nghị sĩ Quốc hội hồi tháng 6/2017 và tháng 6/2022. Thời gian 6 tháng tại Bộ Giáo dục, ông thể hiện là một người nhất quán trong các quyết định, hiệu quả trong việc thực thi, biết điều chỉnh quyền lực theo mong muốn của dư luận. Cho đến nay, ông Attal là nhân vật được yêu thích nhất trong chính phủ đương nhiệm.
Theo nghiên cứu của viện nghiên cứu độc lập Odoxa công bố tuần trước, trong khi 2/3 người dân Pháp được hỏi muốn thấy bà Borne ra đi thì ông Attal lại là người được yêu thích nhất để thay thế bà ở vị trí người đứng đầu chính phủ. Hơn 36% số người được hỏi cho rằng ông sẽ là “thủ tướng giỏi”. Cùng với người đứng đầu ngành kinh tế Bruno Le Maire, ông Attal là bộ trưởng duy nhất mà nhiều người Pháp muốn ở lại hơn là ra đi trong trường hợp có cải tổ nội các.
Kết quả thăm dò dư luận của Elabe cũng khẳng định ông Attal có thể sánh bước cùng cựu Thủ tướng Edouard Philippe ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng những nhân vật chính trị được yêu thích nhất với 39% ý kiến ủng hộ, chỉ sau tỉ lệ 41% dành cho thị trưởng thành phố Le Havre.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là cơ hội và cũng có thể gây khó khăn đối với tân thủ tướng. Mặt khác, tuổi tác của Thủ tướng Attal được coi là lợi thế, nhưng cũng có thể tạo ra thách thức, nhất là khi người tiền nhiệm Borne được đánh giá cao về khả năng thiết lập đối thoại xã hội và kiến thức rộng.
Hơn nữa, việc thành lập chính phủ mới không phải là điều dễ dàng, bởi ông Attal sẽ phải áp đặt quyền lực của mình đối với các đối thủ nặng ký trong chính phủ. Chủ nhân mới của Điện Matignon cũng sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề hóc búa liên quan tới luật nhập cư, tình trạng thất nghiệp gia tăng, sức mua...
Theo các nhà quan sát, để có cơ hội thành công, ông Attal sẽ phải đáp ứng một số điều kiện. Đầu tiên là phải thành lập được một chính phủ gắn kết, với đội ngũ lãnh đạo các siêu bộ là những người có tầm ảnh hưởng trong dư luận và được trao quyền tự chủ. Giống như những gì ông Bruno Le Maire đã đạt được cho đến nay tại Bộ Kinh tế.
Một điều kiện khác và trên hết, đó là phải tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc có thể thất bại trong các cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện. Tổng thống Macron đã hứa hẹn sẽ trở lại “vượt trội” và “táo bạo” và ông Attal sẽ phải thực hiện cam kết này.
Cơ hội và thách thức đều đang ở phía trước và cờ đã nằm trong tay ông Attal. Giờ là lúc vị Thủ tướng thứ 26 của nền Đệ ngũ Cộng hòa bắt đầu vào cuộc.