Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/11 sẽ bay tới Washington để thảo luận về một loạt vấn đề với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, từ việc điều chỉnh chính sách đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine cho đến giảm bớt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Ông Macron, trong một vinh dự hiếm hoi là nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên được mời tới hai chuyến thăm cấp nhà nước của Mỹ, có thể được chào mừng bằng 21 phát đại bác khác và bữa tiệc chiêu đãi hoành tráng tại Nhà Trắng như cựu Tổng thống Donald Trump đã đón tiếp vào năm 2018.
Đoàn tháp tùng của Tổng thống Macron lần này gồm các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và tài chính, cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và phi hành gia, minh họa cho phạm vi hợp tác xuyên Đại Tây Dương mà Paris hy vọng sẽ thúc đẩy.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với AFP rằng mặc dù có thể có "tiến bộ" cụ thể trong một số lĩnh vực, nhưng "chuyến thăm này là về mối quan hệ cá nhân, mối quan hệ đồng minh" với Pháp.
Martin Quencez, Phó Giám đốc của tổ chức tư vấn GMF tại Paris, cho biết: “Có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa chính quyền Biden và chính phủ Macron. Nhưng vì nhiều lý do, sự hợp tác và phối hợp đã không tiến xa như kỳ vọng".
Căng thẳng giữa Paris và Washington đã lắng xuống kể từ một năm trước, vốn liên quan đến việc Mỹ giành được hợp đồng béo bở cung cấp tàu ngầm cho Australia từ Pháp và thành lập một liên minh Mỹ-Anh-Australia mới ở Thái Bình Dương, được gọi là AUKUS mà không có Pháp.
Celia Belin, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, nhận định chuyến thăm lần này có thể được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm xoa dịu đồng minh NATO, một trong những nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất kêu gọi châu Âu "tự chủ chiến lược".
"Người Pháp không phải lúc nào cũng dễ kiểm soát, nhưng khi người Pháp và người Mỹ thống nhất, điều đó sẽ thúc đẩy mọi thứ tiến lên rất nhiều", vị chuyên gia trên nói.
Tuy nhiên, khi mọi thứ ổn định, "chúng tôi không phải là đồng minh trên cùng một hướng", một cố vấn của ông Macron nói với AFP, đồng thời cảnh báo về các cuộc đàm phán "đầy thách thức" với Tổng thống Biden.
Bất chấp sự ủng hộ của mình dành cho Kiev, việc Tổng thống Macron khẳng định tiếp tục đối thoại với Moskva trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm dấy lên những lời chỉ trích của Mỹ.
Một cố vấn khác nói với các phóng viên vào tuần trước rằng ông Macron sẽ sớm nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng phải sau chuyến thăm Mỹ. Điều này diễn ra đúng lúc một số quan chức Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, đã nêu ra khả năng đàm phán hòa bình.
Việc chuyển giao vũ khí khổng lồ của Mỹ cho Ukraine - vượt xa những nỗ lực chung của Liên minh châu Âu - đã làm nổi bật ưu thế vượt trội của nước này với tư cách là nhà sản xuất vũ khí, trong khi các nỗ lực chung của Pháp - Đức gặp khó khăn.
Trước mắt, người châu Âu đang tức giận bởi mức giá cao mà họ phải trả cho việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng vận chuyển bằng tàu của Mỹ - thay thế khí đốt rẻ hơn do đường ống của Nga bị đình trệ do xung đột ở Ukraine.
Đặc biệt, Pháp đã phải hứng chịu một cú sốc năng lượng kép khi phần lớn các nhà máy điện hạt nhân của nước này ngừng hoạt động để bảo trì hoặc do những sai sót được phát hiện trong hệ thống làm mát của chúng.
Với Luc Remont, người đứng đầu mới được bổ nhiệm của công ty năng lượng do nhà nước kiểm soát EDF, tháp tùng ông Macron tới Washington, một số hỗ trợ cho ngành công nghiệp hạt nhân dân sự có thể được tính đến.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng khiến Pháp và Mỹ bất đồng về kinh tế, làm gia tăng những mâu thuẫn hiện có về các vấn đề như chuyển đổi xanh và cạnh tranh với Trung Quốc.
Và khi Mỹ lên kế hoạch đầu tư và trợ cấp lớn theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), châu Âu lo sợ những tác động tiêu cực đối với sự cạnh tranh với các công ty của chính họ trong các lĩnh vực như ô tô điện, pin và năng lượng sạch.
Đối với các khoản trợ cấp của Mỹ cho các công ty công nghệ xanh trong nước, một quan chức Mỹ nêu rõ họ không ngăn cản các đối thủ cạnh tranh của EU và rằng một "cuộc đối thoại rất mang tính xây dựng" đang được tiến hành để hợp tác cùng nhau.
Về sự khác biệt trong chính sách diều hâu hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, quan chức Mỹ trên cho biết quan điểm của Washington với châu Âu "không giống nhau, nhưng có một quan điểm mạnh mẽ rằng hai bên nên đề cập từ một kịch bản chung để phản ứng với Trung Quốc".
Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không đứng yên trong khi Mỹ tiến hành chủ nghĩa bảo hộ". Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói: "Trung Quốc ủng hộ sản phẩm của chính họ; Mỹ ủng hộ sản phẩm của chính họ. Có lẽ đã đến lúc châu Âu ủng hộ sản phẩm của chính mình".