Nền kinh tế khu vực của Mỹ Latinh và Caribe dự kiến sẽ co hẹp nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên toàn thế giới, với mức giảm gần 10% trong năm nay – theo dự báo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 6. IMF cho biết "đại dịch vẫn lan nhanh cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội sẽ cần được duy trì trong một thời gian dài hơn, làm giảm hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2020".
Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc còn đưa ra dự báo nặng nề hơn, cho rằng đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến "cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với những tác động nghiêm trọng đến việc làm, cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng” tại Mỹ Latinh.
"Máy bay hỏng động cơ"
Nền kinh tế các nước Mỹ Latinh vốn đã suy yếu sau nhiều năm trì trệ, ngay cả trước khi dịch COVID-19 ập đến. Tăng trưởng ở Mỹ Latinh và Caribe từ năm 2014 - 2019 trung bình chỉ 0,4%/ năm, mức thấp nhất kể từ những năm 1950. Hàng triệu người từng gia nhập tầng lớp trung lưu, phải đối mặt với “một vòng luẩn quẩn của việc làm chất lượng thấp, bảo trợ xã hội kém và thu nhập không ổn định khiến họ có nguy cơ rơi vào nghèo đói" - theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 1/5 trong số những người ở độ tuổi 14-25 đang không tìm được việc làm.
Giờ đây, đại dịch COVID-19 còn biến sự tăng trưởng “thiếu máu” này thành suy thoái, và đẩy ngược hàng triệu người trở lại nghèo đói.
"Mỹ Latinh bước vào năm 2020 giống như một phi cơ bay với một động cơ bị hỏng. Sau đó, động cơ còn lại cũng hỏng nốt. Lúc này chúng tôi đang tìm kiếm nơi nào đó hạ cánh để cứu máy bay và hành khách", ông Eric Parrado, chuyên gia kinh tế chính tại Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), nhận xét.
Mối hoạ nghèo đói
Rất ít quốc gia Mỹ Latinh có 'mạng lưới an toàn' để hỗ trợ những lúc khủng hoảng, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, các chính phủ đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là các biện pháp phong toả để cứu mạng người dân và nỗi đau kinh tế trong ngắn hạn, với một bên là tìm cách duy trì mở cửa nền kinh tế nhưng hứng chịu rủi ro lây nhiễm cao hơn.Peru, nơi áp đặt lệnh phong toả nhanh và sớm, đã chọn phương án đầu tiên; Brazil chọn phương án thứ hai. Tuần trước, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro thẳng thừng lặp lại quan điểm: "Không có lương và công việc, mọi người sẽ chết. Phong toả sẽ giết chết họ".
Hồi tháng 5, Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador dự đoán rằng, “dịch COVID sẽ khiến 1 triệu việc làm bị mất”.
Tiếp tục đóng cửa các nền kinh tế chắc chắn chắn sẽ làm tiêu tan việc làm và thu nhập. Ủy ban Kinh tế của Liên hợp quốc về Mỹ Latinh và Caribe dự kiến sẽ có thêm gần 30 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói - được định nghĩa là thu nhập dưới 5,5 / ngày - trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo con số này có thể lên tới 50 triệu.
Hàng triệu người trong số họ sẽ phải vật lộn để tránh đói, do mùa màng không thể thu hoạch hoặc mất chi phí nhập khẩu cao hơn nhiều khi tiền tệ mất giá. Nghèo đói cũng gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ em. Nguồn thực phẩm ít hơn và kém dinh dưỡng sẽ kìm hãm trẻ tăng trưởng, những em nhỏ nhà nghèo mất cơ hội đến trường và cũng không có điều kiện để học trực tuyến.
Những cú dừng đột ngột
Dù con đường mà mỗi quốc gia lựa chọn là gì, thì cả khu vực Mỹ Latinh sẽ không thể tránh khỏi cú sốc “kẹp ba” chưa từng có, mà chuyên gia Parrado gọi là “những cú dừng đột ngột”.
Thứ nhất là vốn: Tiền đang chảy ra khỏi khu vực nhanh chóng khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu và trái phiếu để rút tiền. Trong khi đó kiều hối từ các thành viên gia đình ở nước ngoài – nguồn tiền quan trọng đối với người nghèo ở Mexico, Caribe và Trung Mỹ - được dự báo sẽ giảm nhanh. IDB ước tính kiều hối cho khu vực có thể giảm tới 30% trong năm nay. Ở một đất nước như Haiti, nơi kiều hối có giá trị tương đương 1/3 GDP, thì đây là một thảm họa thực sự.
Thứ hai là thương mại: Chuyên gia Parrado nói rằng hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực đang giảm rất nhanh. Mỹ Latinh đặc biệt dễ bị tổn thương vì phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa, từ đậu nành đến đồng và dầu mỏ. Khi nhu cầu toàn cầu giảm, doanh thu xuất khẩu của khu vực cũng vậy. Lấy Peru làm ví dụ: Trong quý 1 năm 2020, xuất khẩu của nước này, gồm vàng, dầu, thịt cá, đã giảm gần 15%.
Thứ ba là tính cơ động: Các lệnh phong toả và hạn chế đi lại đã làm tổn thương ngành du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn thu quan trọng ở Caribe và Mexico. Nhưng quan trọng hơn là những biện pháp đó đã tàn phá nền kinh tế phi chính thức (còn gọi là “nền kinh tế xám”, nơi có tới hơn một nửa lực lượng lao động sống phụ thuộc). Phong toả là một yêu cầu xa xỉ mà họ không thể đáp ứng. Công việc của họ, như làm quản gia, lái taxi, bán hàng rong, buộc phải ra ngoài. Điều đó khiến cho họ dễ bị lây bệnh hơn. Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy nhiều người khỏi các công việc chính thức và tham gia vào "nền kinh tế xám", thì lại có nhiều sự cạnh tranh hơn xung quanh một lượng công việc ít hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn.
Nỗi ám ảnh nợ nần
Việc thiếu một loại vắc-xin sẵn có trong tương lai gần khiến phần lớn khu vực phải đối mặt với vòng xoáy khủng khiếp của các loại tiền tệ đang suy yếu và nợ nần ngày càng tăng. Một số quốc gia, bao gồm Guatemala, El Salvador và Honduras, đã chi nhiều cho các nghĩa vụ nợ nần hơn là cho chăm sóc sức khỏe, theo Liên hợp quốc.
Nhóm nghiên cứu của công ty Capital Economics cho biết nợ của Brazil, Colombia và Mexico - ba trong số các nền kinh tế mạnh nhất khu vực - đang tăng nhanh so với GDP. Một số nhà phân tích dự đoán tỷ lệ nợ trên GDP của Brazil sẽ tăng từ 75% lên 100% trong năm nay, khi nền kinh tế của nước này suy giảm khoảng 9%.
Nỗ lực chống trả
Các chính phủ trong khu vực đã áp dụng một loạt biện pháp để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất và cố gắng duy trì các doanh nghiệp hoạt động.
Peru cung cấp khoản tiền mặt hỗ trợ ban đầu khoảng 100 USD cho 9 triệu người dễ bị tổn thương nhất, sau đó là nhiều đợt khác. Brazil cũng mở rộng phạm vi của chương trình hỗ trợ thu nhập "Bolsa Familia" và Colombia củng cố chương trình "Familias en Accion".
Tuần trước, chính phủ Chile tăng thêm 10% lương hưu cho người dân để bù đắp khó khăn. Trên toàn khu vực, các ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất, thường là gần như bằng 0, cho các khoản vay. Brazil đang cung cấp khoảng 55 tỷ USD tín dụng cho các doanh nghiệp.
Các nhà cho vay quốc tế như Ngân hàng Thế giới và IDB cũng đang hỗ trợ. Chỉ trong tuần này, IDB đã cung cấp khoản vay trị giá 130 triệu USD giúp 12.000 doanh nghiệp nhỏ ở Bolivia tồn tại. IMF cung cấp khoảng 5,5 tỷ USD cho khu vực, với các hạn mức tín dụng linh hoạt dành cho Chile, Peru và Colombia.
Nhưng ngân sách đã được kéo căng, các khoản chi cho thanh toán tiền mặt, chăm sóc sức khoẻ đã vượt xa hầu hết khả năng của các nước khi nền tài chính công của họ xấu đi.
Bất ổn chờ phía trước
Những điều chỉnh tài chính đồng nghĩa các quốc gia Mỹ Latinh sẽ phải thắt lưng buộc bụng, và thắt lưng buộc bung thì lại trì hoãn phuc hồi kinh tế.
"Đến cuối năm 2022, chúng tôi vẫn nghĩ rằng nền kinh tế Brazil sẽ thu hẹp hơn 7% so với mức trước đại dịch”, Capital Econmics nhận xét sau khi tiến hành khảo sát.
Chính sách thắt lưng buộc bụng cũng có thể dẫn đến những cuộc biểu tình từng gây bất ổn khu vực trong năm 2019. Từ Colombia đến Haiti, từ Bolivia đến Chile, đám đông giận dữ đã tràn ra đường, thể hiện sự mất lòng tin ở chính phủ.
Trong năm 2021, những kỳ vọng của công chúng về chất lượng dịch vụ của chính phủ được cảnh báo sẽ lại đi vào một cuộc xung đột với thực tế - và khi kho bạc đã cạn kiệt bởi đại dịch, rất ít chính phủ có thể làm được gì về để giải quyết vấn đề này.