Theo các nhà phân tích, bị ám ảnh bởi kinh nghiệm cuộc chiến Afghanistan, nơi hàng trăm lính Arập Xêút đã tham chiến để rồi trở về gieo rắc khủng bố, vương quốc này đang cố gắng tránh phải chịu những hệ quả tương tự từ cuộc xung đột Syria.Binh sĩ Syria sau khi giành quyền kiểm soát làng Haydariyah, cách thị trấn Qusayr khoảng 7km ngày 13/5. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Suốt mấy tháng qua, quan chức Arập Xêút đã đưa ra nhiều cảnh báo cứng rắn tới các tình nguyện viên của vương quốc Hồi giáo Sunni bảo thủ này không nên tiếp tục chiến đấu cùng phe nổi dậy dòng Sunni đang cố gắng lật đổ chính quyền Damascus. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết hàng trăm lính Arập Xêút, thậm chí có thể là vài nghìn, đã ra đi bất chấp cái chết được báo trước, và số lượng quân lính tình nguyện Arập Xêút không có dấu hiệu giảm.
Đầu tháng 5/2013, trang mạng Hồi giáo đã thông báo cái chết của Rashid al-Shelwi - một kỹ sư tới từ thành phố Taif của Arập Xêút - trong khi đang chiến đấu cùng Quân đội Syria Tự do. Ngày 16/5, Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria cho biết một tay súng nổi dậy xuất hiện trong đoạn video quay cảnh hành hình lực lượng chính phủ bị bắt giữ chính là một người Arập Xêút có bí danh Qaswara al-Jazrawi. Cơ quan giám sát có trụ sở ở Anh cho biết cũng giống như nhiều lính tình nguyện Arập Xêút khác, Jazrawi chiến đấu trong hàng ngũ Mặt trận Al-Nusra, nhóm nổi dậy từng cam kết sẽ trung thành với Al-Qaeda bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Sự góp mặt của người Arập Xêút trong các nhóm thánh chiến đã làm dấy lên quan ngại ở Riyadh về sự quay trở lại của các cuộc tấn công chết người của Al-Qaeda từng làm rung chuyển vương quốc này trong khoảng thời gian 2003-2006, và buộc nhà vua Abdullah phải có hành động can thiệp công khai hiếm hoi. Không đặc biệt ám chỉ đến cuộc xung đột ở Syria, nhà vua đã lên tiếng cảnh báo "những kẻ lừa dối con em chúng ta, một vài trong số đó đã bị giết và những kẻ khác bị cầm tù".
Tháng 4/2013, Đại giáo trưởng Sheikh Abdulaziz Al-Shaikh - quan chức tôn giáo cấp cao nhất của Arập Xêút - cũng đưa ra cảnh báo rằng không có biện minh tôn giáo nào cho cuộc thánh chiến hay cuộc chiến thần thánh nào ở Syria. Vị tu sĩ này nói: "Tình hình ở Syria đang rất hỗn loạn bởi sự gia tăng nhanh chóng của các nhóm vũ trang không chiến đấu dưới ngọn cờ thống nhất. Cuộc xung đột này không được coi là thánh chiến... vốn phải được những người cầm quyền chấp thuận".
Tháng 6/2012, Hội đồng các Học giả Hồi giáo Cấp cao của Arập Xêút, đã ban hành một sắc dụ Hồi giáo cấm người dân nước này tham gia "thánh chiến" ở Syria khi không có sự cho phép của chính quyền. Tuy nhiên, các biện pháp tương tự đã không thể ngăn chặn những thanh niên Arập Xêút hành quân tới Iraq để chiến đấu chống lại quân đội của Mỹ sau cuộc lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003.
Stephane Lacroix, một chuyên gia về Hồi giáo Arập Xêút, nhắc lại cái giá mà Riyadh phải trả cho sự can thiệp của hàng nghìn quân lính chiến đấu cùng lực lượng du kích Hồi giáo chống lại quân Xôviết vào những năm 1980 tại Afghanistan. Ông nói: "Từ giữa những năm 1980, chính quyền Arập Xêút đã bày tỏ ủng hộ những thanh niên nước này muốn chống lại quân đội Xôviết. Rất nhiều lính 'Arập Afghanistan' sau đó đã can dự vào những hành vi bạo lực ở Arập Xêút".
Các quan chức Arập Xêút đã cố gắng giảm số lượng quân tình nguyện ở Syria. Tướng Saeed al-Bishi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc Hoàng tử Mohammed bin Nayef - được lập ra để cải tạo các phần tử cực đoan bị bắt giam, cho biết tổ chức của ông đang giúp ngăn cản các thanh niên Arập Xêút tham chiến ở Syria. Chính quyền nước này cũng đang cố gắng kiểm soát dòng tài trợ từ những người Arập Xêút giàu có chuyển cho các nhóm nổi dậy ở Syria.
TTXVN/Tin tức