Pháp mới đây đã cử tàu chiến đến Biển Đông trước cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản, sau khi tàu ngầm hạt nhân của nước này vừa kết thúc cuộc tuần tra tại vùng biển này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) cho rằng việc Pháp sẵn sàng đối đầu với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp phản ánh lợi ích của Paris ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những kế hoạch hợp tác với nhóm "Bộ tứ Kim cương" (Quad - gồm Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ) của nước này.
Pháp đang làm gì ở Biển Đông?
Hải quân Pháp trong tháng 2/2021 đã bắt đầu 3 tháng huấn luyện và tuần tra, với việc cử tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và khinh hạm Surcouf từ căn cứ ở Toulon, miền bắc Pháp, tới Thái Bình Dương.
Nhóm tàu này sẽ đi qua Biển Đông hai lần và tham gia một cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5, bao gồm cả huấn luyện tác chiến mạng. Chương trình của nhóm tàu Pháp không bao gồm đi qua Eo biển Đài Loan.
Vài ngày trước khi bắt đầu sứ mạng huấn luyện và tuần tra kể trên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết một trong các tàu ngầm tấn công hạt nhân của nước này là Emeraude đã kết thúc cuộc tuần tra qua Biển Đông. Đây được coi là thông điệp phản đối lập trường phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Trước đó, tại Diễn đàn An ninh liên chính phủ thường niên - Đối thoại Shangri-La năm 2019, bà Parly từng tuyên bố Pháp sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông ít nhất hai lần một năm. Bà kêu gọi các quốc gia có chung quan điểm cùng làm như vậy để đảm bảo duy trì khả năng tiếp cận rộng mở đối với vùng biển này.
Cũng trong năm 2019, Bắc Kinh đã có động thái hiếm hoi cáo buộc Pháp xâm nhập trái phép các vùng biển mà Trung Quốc coi là của nước này, sau khi khinh hạm Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan. Đáp lại, Paris gọi đây là một hoạt động bình thường mà trước đó họ cũng đã thực hiện.
Sự hiện diện của Pháp ở Thái Bình Dương có phải là mới?
Trên thực tế các tàu hải quân Pháp đã hoạt động ở Biển Đông nhiều năm qua. Sứ mạng kéo dài 3 tháng hiện tại thực ra là một sự kiện thường niên kể từ năm 2015. Pháp cũng tiến hành các cuộc tập trận chung với Australia, Malaysia.
Năm 2015, Pháp ra tuyên bố chung với Philippines, cho rằng cả hai nước phản đối “bất kỳ hành động hoặc yêu sách” nào “vi phạm luật pháp quốc tế’ - được cho là nhằm vào Trung Quốc.
Năm 2016, các tàu quân sự của Pháp đã cùng hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra ở Biển Đông, sau khi Washington nêu quan ngại về các yêu sách chủ quyền ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, trong đó có việc xây đảo và lắp đặt vũ khí.
Tại Đối thoại Shangri-La 2016, Pháp công bố ý định phối hợp các cuộc tuần tra chung của Liên minh châu Âu ở Biển Đông nhằm thúc đẩy tự do hàng hải.
Tại sao Biển Đông lại khiến Pháp quan tâm?
Pháp có các vùng lãnh thổ, kèm theo là các các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh, ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Pháp coi khu vực này có tầm quan trọng lớn đối với lợi ích của mình và đã xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ với các nước trong khu vực.
Năm 2018, Pháp đã theo bước Mỹ đưa ra phiên bản chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của riêng mình. Cùng với các nước châu Âu khác, Paris nhiều lần tuyên bố tự do hàng hải phải được duy trì ở Biển Đông
Năm 2016, Philippines đã kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra Toà án Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan), cho rằng chúng vi phạm các quyền lợi hàng hải được phép theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là "đường chín đoạn" và tuyên bố chủ quyền "đường chín đoạn" là trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Năm 2021 này, Pháp đã đưa ra một tuyên bố chung với LHQ, Đức và Anh, ủng hộ phán quyết nói trên của Tòa án La Haye năm 2016.
Trung Quốc phản ứng ra sao?
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tỏ ra khó chịu trước những gì họ coi là can thiệp và khiêu khích của quân đội Mỹ, nhưng về cơ bản vẫn kiềm chế những lời chỉ trích công khai về các hoạt động mới nhất của Pháp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các nước ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, song phản đối bất kỳ nước này lợi dụng vấn đề tự do hàng hải để làm xói mòn chủ quyền của Trung Quốc hoặc hòa bình, ổn định khu vực.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Pháp tham gia “mưu kế chống Trung Quốc” của Mỹ, cho rằng Paris không có chỗ đứng ở Biển Đông.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà phân tích kỳ vọng Pháp sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của mình trong vùng biển này để phản đối các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.