Theo ông Maghsoudi, quyết định của Iran không sử dụng đồng USD trong giao dịch dầu mỏ có thể mang tính chính trị, nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Có mấy cách giải thích cho quyết định của Iran trong việc sử dụng đồng euro và nhân dân tệ (NDT) cũng như các ngoại tệ ổn định khác thay cho đồng USD trong giao dịch dầu mỏ.
Ông Maghsoudi cho biết thứ nhất, Iran đã phải gánh chịu quá nhiều thiệt hại trong giai đoạn bị trừng phạt. Những tài sản có được nhờ vào việc bán dầu mỏ bị "đóng băng". Quyết định của Iran là một ý đồ nhằm bảo vệ những tài khoản của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Iran vẫn tiến hành thử tên lửa đạn đạo.
Tàu chở dầu Iran chất hàng ở cảng Assalueh trên vịnh Persique. |
Thứ hai, cần lưu ý Trung Quốc và các nước châu Âu là những đối tác kinh tế lớn nhất của quốc gia Trung Đông này. Theo ông Maghsoudi, việc Iran không sử dụng đồng USD sẽ có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Maghsoudi cũng cho biết đồng USD không chỉ là đồng tiền riêng của Mỹ mà còn là ngoại tệ trên thế giới. Hiện nay, đồng USD là ngoại tệ chính trong các quỹ dự trữ của nhiều nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc. Cho nên khi đồng USD suy yếu, Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việc chuyển đổi sang đồng euro và NDT có thể sẽ có những tác động hai chiều đối với Iran.
Ông Maghsoudi nhấn mạnh tất cả phụ thuộc vào người mua. Bộ Dầu mỏ Iran đã tuyên bố nước này sẽ tăng sản lượng dầu lên 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, để tìm được người mua không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với Iran. Việc từ bỏ đồng USD có thể sẽ làm mọi việc trở nên khó khăn hơn nữa vì thanh toán bằng USD luôn có lợi hơn đối với người mua vì đây là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới. Việc chuyển đổi sang đồng euro hoặc NDT có thể khiến khách hàng từ chối mua dầu mỏ của Iran. Ông Maghsoudi cho rằng Iran cần phải có những quyết định có lợi cho các đồng minh của Iran trên thị trường dầu mỏ thế giới. Mục đích không phải là từ chối đồng USD hay NDT mà là bán được nhiều dầu hơn với giá có lợi nhất.
Mới đây nhất, hôm 13/2, Giám đốc điều hành Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran, Rokneddin Javadi, cho biết khoảng 4 triệu thùng dầu của nước này sẽ lên đường sang châu Âu cùng ngày.
Theo ông Rokneddin Javadi, tập đoàn Total (Pháp) đã mua 2 triệu thùng dầu và hai công ty của Nga và Tây Ban Nha mua số còn lại. Ông còn cho biết công ty của Nga sẽ vận chuyển số dầu đã mua tới nhà máy lọc dầu ở Romania.
Sau chuyến thăm và làm việc tại Italy và Pháp, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zangeneh, cho hay hợp đồng bán 160.000 thùng dầu cho tập đoàn Total sẽ được tiến hành vào ngày 16/2. Ông cũng kêu gọi các công ty dầu mỏ Italy Eni và Saras - những khách hàng truyền thống của Iran - tiếp tục mua dầu của quốc gia Hồi giáo này.
Để chiếm lại thị phần tại châu Âu, Tehran đã đưa ra các đề xuất ưu đãi đối với các khách hàng tại “lục địa già”. Trước khi Mỹ và phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt Iran, Iran xuất khẩu sang châu Âu 500.000 thùng dầu/ngày, song sau đó con số này đã giảm xuống 100.000 thùng dầu/ngày.