Nhà Trắng hôm 30/5 thông báo rằng họ sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ cho các cuộc tấn công hạn chế bên trong lãnh thổ Nga - một sự đảo ngược chính sách từng bị chỉ trích, theo lời của Ngoại trưởng Séc Jan Lipavský, là để giải phóng việc Ukraine đang chiến đấu “với một tay bị trói ở phía sau”.
Bình luận trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (atlanticcouncil.org), John E. Herbst, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho biết, đối mặt với áp lực từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các đồng minh NATO, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thay đổi lập trường, nhưng Nhà Trắng làm điều đó một cách quá thận trọng.
Ông Herbst chỉ ra rằng quyết định này đi kèm với những ràng buộc quan trọng: “Ukraine chỉ có thể sử dụng vũ khí Mỹ tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga giáp với Đông Bắc Ukraine”. Thêm vào đó, các cuộc tấn công “chỉ có thể nhằm vào khu tập trung quân ở biên giới và các hệ thống vũ khí đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công Ukraine”.
Theo ông Herbst, điều đó dường như loại trừ việc cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn 300 km - mà Mỹ lần đầu tiên gửi tới Ukraine vào tháng 3 năm nay - mặc dù tầm bắn của hệ thống đó có thể vươn tới “rất sâu trong lãnh thổ Nga". Ông nói thêm rằng “không rõ” liệu Ukraine có được phép sử dụng ATACMS tầm bắn 150 km hay không.
Tính cấp thiết của việc Mỹ thay đổi lập trường có liên quan đến việc Nga đang tiến quân vào Kharkov (Ukraine gọi là Kharkiv), thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm cách biên giới Nga chỉ 30 km.
Chuyên gia Herbst lưu ý, Kharkiv “đã bị tấn công dữ dội bởi pháo và bom do máy bay Nga phóng qua biên giới”, nơi các lực lượng Nga được "hưởng nơi trú ẩn an toàn” theo các quy định trước đây của chính quyền Biden - ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào Nga bằng vũ khí của Mỹ.
Cựu Đại sứ Mỹ trên nhấn mạnh: Quyết định của Nhà Trắng “làm ở mức tối thiểu để giúp đỡ Ukraine trong tình hình khó khăn ở phía đông bắc”, loại bỏ “gánh nặng lớn đối với những nỗ lực của Ukraine nhằm bảo vệ Kharkov và ngăn chặn cuộc tấn công của Nga”. Ông nói thêm: “Động thái này chắc chắn tốt hơn là không làm gì cả”, nhưng nó “không gửi thông điệp cần thiết về quyết tâm của Mỹ tới Điện Kremlin”.
Đồng quan điểm trên, khi bình luận với kênh CNN, các nhà phân tích quân sự đã hạ thấp kỳ vọng về quyết định mới trên của Mỹ, một phần vì Mỹ kiên quyết không cho phép Ukraine sử dụng loại vũ khí đáng gờm nhất mà nước này có thể sử dụng: tên lửa tầm xa ATACMS có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 300 km. Thay vào đó, Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn được gọi là GMLRS (Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường), có tầm bắn khoảng 70 km.
Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Mỹ, nói với CNN rằng sự thay đổi chính sách sẽ “làm giảm bớt” cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv, nhưng vẫn “bảo toàn phần lớn không gian trú ẩn của Nga”.
“Chính sách này vẫn đảm bảo cho hậu phương của Nga hoạt động nên sự thay đổi gần Kharkov này không đủ để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến. Ukraine đặc biệt cần khả năng tấn công sâu vào các khu vực phía sau để phong toả các mối đe dọa từ trên bộ và trên không của Nga, vì nhiều sân bay của Nga hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của Ukraine đều nằm ngoài tầm bắn của GMLRS”, bà Stepanenko nói.
Trong khi đó, Franz-Stefan Gady, cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, bình luận rằng các cuộc tấn công xuyên biên giới của GMLRS sẽ cho phép Ukraine “tấn công một số khu vực tập trung, trung tâm chỉ huy và kiểm soát cũng như các kho tiếp tế của Nga. Điều này sẽ làm phức tạp thêm các hoạt động quân sự của Nga nhằm vào Kharkov".
Ông Gady nói: “Chúng ta cần phải thực tế về những gì có thể mong đợi từ sự thay đổi chính sách này, vì các lực lượng vũ trang Nga đã thích nghi với việc triển khai các loại hỏa lực chính xác trên mặt đất”.
Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết sự thay đổi chính sách sẽ cho phép Ukraine “hiệu quả hơn trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công, nhưng bản thân nó không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Đó là một giải pháp bổ sung để Ukraine tự vệ”.
Ranh giới đỏ của phương Tây đang "mờ dần"
Mỹ đang cùng với Anh, Pháp, Đức và một số nước khác dỡ bỏ các hạn chế về cách Ukraine sử dụng vũ khí được phương Tây cung cấp.
Trước khi Tổng thống Biden "bật đèn xanh", Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngầm đưa ra những cảnh báo hạt nhân đối với các nước đang cân nhắc cho phép Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí của họ. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”, đặc biệt đối với “các quốc gia nhỏ và đông dân”.
Trong khi việc loại bỏ điều cấm kỵ này dường như đánh dấu một bước mới trong cuộc chiến, Nga trước đây đã từng chứng kiến các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ mà nước này kiểm soát ở Ukraine.
Ukraine đã thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào Kharkov và Kherson vào cuối năm 2022, khi nước này tìm cách giải phóng các khu vực bị Nga kiểm soát trong những tuần đầu của cuộc xung đột.
Ukraine cũng thường xuyên nhắm mục tiêu vào Crimea, nơi được Nga sáp nhập vào năm 2014, bằng cách sử dụng tên lửa “Storm Shadow” do Anh cung cấp.
Trong cả hai trường hợp, Nga đều cảnh báo Ukraine và các đồng minh phương Tây không vượt qua ranh giới đỏ. Nhưng trong cả hai trường hợp, Ukraine và các đồng minh phương Tây đều phớt lờ cảnh báo.