Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đang làm thay đổi đồ thị COVID-19 tại nhiều nước, khiến số ca mắc bệnh tăng mạnh. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhất thế giới từ trước tới nay vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược “Zero COVID-19” (Không COVID-19).
Hai năm trước, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19) bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, giới chức nước này đã hành động một cách dứt khoát. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở các cấp độ nhanh chóng được áp dụng nhằm kìm hãm số ca mắc mới và ngặn đứng làn sóng lây lan virus.
Trung Quốc kiên định theo đuổi cách tiếp cận “không khoan nhượng” với COVID-19, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển sang sống chung với dịch bệnh. Trong đó, Thụy Điển đã tuyên bố chấm dứt đại dịch từ hôm 10/2.
Theo quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, chỉ tiêm vaccine phòng bệnh thôi là chưa đủ, mà cần phải có những hạn chế nghiêm ngặt về mặt tiếp xúc xã hội khi đối phó với đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng ca ngợi Trung Quốc là một điển hình thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh kiên trì trước sau theo đuổi chính sách “Không COVID-19” đang khiến nước này ngày càng bị cô lập với thế giới.
Ngược lại, hầu hết các nước trên thế giới, trong đó phần lớn đều hứng chịu số ca mắc bệnh và tử vong cao hơn Trung Quốc nhiều lần, triển khai những biện pháp đối phó cứng rắn và nay đang từng bước trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch.
Với chiến lược này, Chính phủ Trung Quốc đã huy động nguồn lực và nhân lực khổng lồ để triển khai các đợt xét nghiệm hàng loạt trên quy mô lớn mỗi khi phát hiện ổ dịch bùng phát. Đôi khi, giới chức có thể phải triển khai xét nghiệm liên tục cho hàng triệu dân trong vài ngày nhằm cô lập các nguồn lây.
Không COVID-19 có đồng nghĩa với không ca mắc bệnh?
Quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về đại dịch COVID-19 không thay đổi nhiều kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc: đây là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng cần phải bị loại bỏ bằng mọi giá, cho dù dịch bệnh lây lan qua người hay động vật hoặc ẩn nấp trên thực phẩm đông lạnh hay thư tín từ nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc yêu cầu cách ly ít nhất 2 tuần đối với bất kỳ ai đến từ các quốc gia khác. Ở trong nước, ngay cả những đợt bùng phát nhỏ nhất cũng phải tiến hành xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly chặn nguồn lây, và phương án cuối cùng là phong tỏa toàn thành phố.
Cách tiếp cận này, được coi là không khoan nhượng với COVID-19, chấp nhận có ca lây nhiễm xảy ra, song sẽ cố không để số ca mắc gia tăng tiếp bằng cách chặn nguồn lây virus. Tuy nhiên, trên thực tế, sự xuất hiện của các biến thể có tốc độ lây cao như Delta và Omicron đã khiến Trung Quốc gặp khó. Các đợt bùng phát đã xảy ra vào năm ngoái và kể từ tháng 10/2021 Trung Quốc thậm chí còn không thông báo các ca mắc ở trong nước.
Vì sao Trung Quốc kiên trì theo đuổi “Không COVID-19”?
Trong tính toán của nhà chức trách Trung Quốc, lợi ích của chiến lược “Không COVID-19” lớn hơn chi phí bỏ ra. Chính phủ Trung Quốc ước tính chiến lược này đã tránh được 1 triệu ca tử vong và 50 triệu người mắc bệnh.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chưa tới 5.000 người tại nước này tử vong vì COVID-19 và hầu hết trong số đó xảy ra trong giai đoạn đầu đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán. Nếu so sánh với trên 900.000 ca tử vong ở Mỹ (dù dân số Mỹ chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc), Bắc Kinh đã coi số liệu này là cơ sở chứng tỏ chiến lược ứng phó với COVID-19 của nước này là vượt trội.
“Không COVID-19” cũng đã cho phép kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng trưởng dương trong khi các nền kinh tế lớn khác đều sụt giảm trong năm 2020. Kinh tế công nghiệp của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt bùng phát giai đoạn cuối năm 2021, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt kỷ lục nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở nước ngoài.
Nhược điểm của “Không COVID-19”
Hậu quả kinh tế của chiến lược này là không phải bàn cãi. Khi virus SARS-CoV-2 ngày càng biến đổi để trở nên dễ lây lan hơn, điều đó đã gây ra các đợt bùng phát thường xuyên hơn, và một vài đợt trong số đó yêu cầu phải triển khai những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn. Một số đợt phong tỏa kéo dài nhiều tuần, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực và chăm sóc y tế. Thậm chí, nhiều người đã thiệt mạng như ở thành phố Tây An, miền tây Trung Quốc.
Trung Quốc đã đối phó với các đợt bùng phát dịch ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải mà không áp lệnh phong tỏa toàn thành phố. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với các hạn chế đi lại và lo ngại nhiễm virus đã khiến họ hủy các kỳ nghỉ, ngừng mua sắm, không tới nhà hàng, khiến chi tiêu tiêu dùng sụp đổ. Số ca vẫn xuất hiện, cùng với đó là các biện pháp hạn chế phòng dịch, càng làm nghiêm trọng hơn hoạt động đầu tư vốn đã sụt giảm trên thị trường bất động sản cuối năm 2021.
Goldman Sachs Group Inc. đã cắt giảm 0,5 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 khi nước này đang ngày càng chật vật trong việc kiềm chế biến thể Omicron. Trong trường hợp xấu nhất Trung Quốc lại phải phong tỏa toàn quốc một lần nữa, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm chỉ còn 1,5%, mức thấp nhất trong hơn bốn thập kỷ.
Khi nào Trung Quốc có thể từ bỏ "Không COVID-19"
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ sớm từ bỏ chiến lược “Không COVID-19”. Dù phong tỏa cục bộ có gây gián đoạn cuộc sống và khiến dư luận mạng xã hội phê phán, song chiến lược này đảm bảo người dân ở những khu vực khác của Trung Quốc có thể tiếp tục cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chiến lược “Không COVID-19” của Trung Quốc cuối cùng sẽ sụp đổ khi virus SARS-CoV-2 trở nên quá dễ lây lan, dẫn tới khó kiểm soát.
Một kịch bản khác là một biến thể mới có thể xuất hiện và nó đủ nhẹ để Chính phủ Trung Quốc chấp thuận từ bỏ chiến lược nói trên mà không gây hại cho người dân.