Theo ông Sastrawinata, nhiều doanh nghiệp Indonesia đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cho đến nay, Indonesia vẫn là một trong những quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến và xuất khẩu gỗ, may mặc. Trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng thống Joko Widodo đã nhấn mạnh rằng Indonesia cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương cùng có lợi nhằm mang lại lợi ích cho người dân hai nước, như tăng cường hợp tác y tế vốn rất quan trọng do đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Ông Sastrawinata cho rằng nền kinh tế ASEAN không nên bị chi phối bởi bất kỳ nền kinh tế nào khác và các quốc gia ASEAN muốn có nhiều đối tác thương mại hơn, bao gồm cả thương mại giữa các quốc gia thành viên của chính ASEAN. Chính vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng để tiếp tục trao đổi về cách thức hai nước có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp một cách thực chất và cùng hợp tác để trở thành các đầu tàu kinh tế trong khu vực.
Ông Sastrawinata cũng đã đánh giá về những bước phát triển của mối quan hệ Indonesia - Việt Nam trong thời gian qua, cũng như tiềm năng hợp tác trong thời gian tới. Ông cho rằng kể từ khi Indonesia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno thiết lập, và được các thế hệ lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước vun đắp. Indonesia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như đều là thành viên của ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cùng nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác.
Ông Sastrawinata nhận định Indonesia là đối tác quan trọng, có nhiều tiềm năng của Việt Nam và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam với tư cách là một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Indonesia và Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nhiều cơ chế hợp tác song phương cũng đã được thiết lập. Indonesia và Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện qua mức độ cao của quan hệ song phương dựa trên đối tác chiến lược Indonesia - Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, trao đổi thương mại song phương ngày càng gia tăng, sự tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực khác như đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế, xóa bỏ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, hợp tác thúc đẩy ASEAN, và sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước. Trong vòng 10 - 20 năm tới, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng gia tăng, qua đó mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Theo ông Sastrawinata, Indonesia và Việt Nam có một số điều kiện hỗ trợ thúc đẩy quan hệ song phương, như dân số đông, thành tựu kinh tế ngày càng nhiều, sức mua gia tăng và sự gần gũi về địa lý với các quốc gia thành viên khác trong ASEAN. Hai bên cần tăng cường hơn nữa các chuyến thăm cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết và giải quyết mọi vấn đề phát sinh càng sớm càng tốt. Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của mình đầu tư vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Indonesia cũng đã mời gọi một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nhiều lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu khác.
Tuy nhiên, Indonesia và Việt Nam vẫn chưa thể phát huy tối đa mối quan hệ truyền thống gần gũi để hướng tới hợp tác cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ông Sastrawinata cho rằng hai bên cần có nhiều hoạt động quảng bá hơn nữa. Dòng vốn đầu tư và du lịch từ Việt Nam sang Indonesia cũng cần được thúc đẩy. Trong khi đó, các doanh nhân Indonesia vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng kinh tế, thị trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước không nên chỉ giới hạn ở các tập đoàn lớn, mà còn cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp vốn có khả năng tận dụng sự tiến bộ hiện nay của công nghệ kỹ thuật số và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới. Về mặt văn hóa, hai bên cần tăng cường trao đổi về các di sản quốc gia bằng cách tổ chức nhiều sự kiện chung nhằm giúp lĩnh vực du lịch giữa hai nước phát triển. Giao lưu nhân dân Việt Nam - Indonesia là rất quan trọng và IVFA sẽ nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân và chính phủ hai nước.
Theo ông Sastrawinata, quan hệ đối tác chiến lược giữa Indonesia và Việt Nam vẫn được duy trì ngay cả trong đại dịch COVID-19 và sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới vì lợi ích của hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, sự thịnh vượng ở khu vực Đông Nam Á. Indonesia và Việt Nam đã thống nhất các kế hoạch mới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiến hành các hoạt động thương mại, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm mở rộng và đa dạng hóa đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ngư nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, và chuyển đổi kỹ thuật số. Hai bên cũng sẽ xem xét mở các đường bay mới phục vụ các hoạt động du lịch, thương mại và đầu tư.
Hiện có khoảng 40 công ty Indonesia tại Việt Nam, trong đó hầu hết ở khu vực phía Nam, hoạt động trong các lĩnh vực từ sản xuất phụ tùng, các sản phẩm chế tạo, hàng tiêu dùng nhanh, hóa chất, nhựa, nhôm, dược phẩm và mỹ phẩm đến vận tải, du lịch và hậu cần. Các công ty này sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho thị trường Việt Nam, cũng như xuất khẩu. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực nhờ sản xuất hướng tới xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhu cầu nội địa ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Bất chấp những gián đoạn trong vài năm qua, nhiều công ty Indonesia đang mong muốn mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, chủ yếu thông qua mua bán và sáp nhập.