Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.
|
Chuyên gia quân sự Nga Vladimir Kozin, Giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự Nga, nói: Có 2 điểm. Thứ nhất là các vũ khí tấn công có thể được cài đặt trong bệ phóng của các hệ thống phòng thủ tên lửa. Thứ hai là nếu số lượng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều hơn số lượng tên lửa hạt nhân, thì Mỹ có thể sẽ bị thôi thúc phát động vụ tấn công hạt nhân đầu tiên hoặc phi hạt nhân nhằm vào Triều Tiên, rồi sau đó "trốn" sau các hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Ngoài ra, ông Kozin còn giải thích lý do tại sao việc Mỹ tăng cường triển khai THAAD sẽ tạo ra thách thức đối với cả Nga và Trung Quốc. Ông Kozin nhấn mạnh: Mỹ càng có nhiều tên lửa đánh chặn, đặc biệt là những loại nhằm mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược thì càng nguy hiểm cho Nga. Trong trường hợp có cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ đảm bảo sẽ đánh chặn tên lửa hạt nhân. Các hệ thống THAAD sẽ được triển khai ở đâu – Hàn Quốc, Alaska hay nơi nào khác, đều không quan trọng.
Lo ngại về THAAD, ngày 4/7, Nga và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung kêu gọi Mỹ ngừng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Đông Bắc Á, nhấn mạnh rằng hành động này không góp phần vào giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên hay hướng tới mục đích phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Hàn Quốc khẳng định rằng hệ thống THAAD được triển khai trong lãnh thổ nước này chủ yếu nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Ngày 6/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc bất chấp sự phản đối gần đây từ phía Moskva và Bắc Kinh. “Phản đối sẽ không thay đổi đối với vấn đề này. Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc thảo luận về tầm quan trọng của THAAD, quyết định của liên minh được đưa ra và lý do mà các quyết định đó được đưa ra để triển khai THAAD ngay từ đầu… Tôi chỉ không thấy có gì thay đổi”, bà Heather Nauert nói.
Trước đó, trong ngày 4/7, Triều Tiên chính thức thông báo đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (
ICBM) dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đồng thời cảnh báo rằng loại tên lửa này có thể tấn công bất cứ đâu trên thế giới. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay và là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử ICBM, vũ khí nguy hiểm được cho là thiết kế để tấn công lãnh thổ Mỹ trên đất liền.
“Thử nghiệm THAAD đánh chặn thành công tên lửa tầm trung IRBM tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và các quốc gia khác”, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết trong một tuyên bố chính thức ngày 11/7.
Về phần mình, Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin cho hay hệ thống THAAD được đặt tại Tổ hợp sân bay vũ trụ Thái Bình Dương ở Alaska đã phát hiện, dò tìm và đánh chặn một mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung. “Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo hôm nay đã đánh chặn thành công một mục tiêu trong buổi thử nghiệm phòng thủ tên lửa do Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ tiến hành với sự giúp đỡ quan trọng của Lục quân Mỹ”, thông cáo báo chí cho hay.
Lockheed Martin nói thêm rằng hệ thống THAAD đã hoàn thành 14 lần đánh chặn từ năm 2005 và thử nghiệm mới nhất là lần đầu tiên THAAD đánh chặn một tên lửa IRBM.