Vực lại giải pháp hai nhà nước
Tuần trước, khi đề cập tới cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Phải có tầm nhìn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước”. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng cho rằng con đường chắc chắn nhất dẫn đến hòa bình là giải pháp hai nhà nước và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đồng tình như vậy.
Thoạt nhìn, lời nói của họ có vẻ giống như vẽ lại một bức tranh hoài cổ: tìm phương thuốc cho cuộc xung đột đổ máu tồi tệ nhất giữa người Israel và người Palestine trong nhiều năm, di tích mờ nhạt của một tiến trình hòa bình mà nhiều người ở cả hai bên coi là đã chết hoặc bị chôn vùi từ cuối thời chính quyền Tổng thống Obama.
Chưa hết, giải pháp hai nhà nước – hai quốc gia có chủ quyền của Israel và người Palestine tồn tại song song bên cạnh nhau – đang nhận được sự quan tâm mới, không chỉ trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Washington, London và Paris mà còn trong số các giới hoạch định chính sách đối ngoại của chính các tay súng Palestine. Một phần khác là nó cũng phản ánh việc thiếu bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào khác.
Gilead Sher, người đã giúp dẫn dắt các cuộc đàm phán của Israel với người Palestine vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, cho biết: “Chúng ta không thể quay trở lại mô hình mà mỗi năm lại xảy ra một cuộc đối đầu bạo lực giữa Israel và Hamas” để đạt được thỏa thuận hai nhà nước.
Ông nói: “Nếu nước Mỹ tham gia vào những gì Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng ông ấy cam kết thì sẽ có cơ hội. Có cơ hội cho các cuộc đàm phán có thể mang lại một quy trình từng bước cho hai quốc gia riêng biệt”.
Một nỗ lực như vậy sẽ phải vượt qua hàng loạt trở ngại, đặc biệt là sự gia tăng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây, điều mà người Palestine cho rằng đã làm xói mòn giấc mơ thành lập một nhà nước trên vùng đất đó. Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Israel càng làm phức tạp thêm nhiệm vụ: Họ phản đối chế độ nhà nước của người Palestine và tìm cách sáp nhập Bờ Tây.
Đàm phán như thế nào
Chuyên gia Gilead Sher nêu ra một loạt lưu ý đối với các cuộc đàm phán Israel - Palestine: Hai bên sẽ phải bắt đầu một cách khiêm tốn, với một tiến trình chính trị tập trung vào việc thoát ra hơn là một cuộc đàm phán có tính quyết định cao về các chi tiết của hai quốc gia.
Ông nói, cả hai sẽ cần những nhà lãnh đạo mới vì những người hiện tại đã tỏ ra không sẵn lòng hoặc không có khả năng đạt được thỏa thuận.
Các quan chức Israel cho biết họ đang tập trung vào cuộc chiến chống lại Hamas, có thể kéo dài hàng tháng và bất kỳ cuộc thảo luận nào về tiến trình hòa bình đều phải đợi cho đến khi im tiếng súng. Nhưng tại các tổ chức nghiên cứu và ngay trong Bộ Ngoại giao Israel, cuộc thảo luận về tiến trình chính trị kế tiếp như thế nào cho Gaza đã bắt đầu.
Bên phía người Palestine, đang hứng chịu sự bắn phá và phong tỏa ở Gaza cũng như căng thẳng gia tăng ở Bờ Tây, triển vọng trở thành một nhà nước dường như càng trở nên xa vời hơn.
Nhưng một số người Palestine cho rằng cú sốc về các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 đã khiến người Israel mất đi ảo tưởng rằng họ có thể giải quyết xung đột với người Palestine mà không phải chấp nhận khát vọng sâu sắc về một quốc gia của họ.
Nidal Foqaha, Tổng giám đốc của Liên minh Hòa bình Palestine, một nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Ramallah, Bờ Tây, cho biết: “Những gì xảy ra vào ngày 7/10 sẽ thúc đẩy chúng tôi sáng tạo hơn và đổi mới hơn về giải pháp hai nhà nước. Nếu không có một chân trời chính trị, đây sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi”.
Vai trò trung tâm của Mỹ
Cơ chế của một quá trình như vậy vẫn chưa rõ ràng. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế - giống như hội nghị thượng đỉnh hòa bình Trung Đông mang tính bước ngoặt ở Madrid vào năm 1991. Các quốc gia Arab cũng có thể triệu tập các cuộc đàm phán hòa bình, mặc dù Ai Cập đã có những nỗ lực sớm từ tuần trước.
Nhìn chung, Mỹ sẽ phải đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Israel và Palestine. Điều đó đã không xảy ra kể từ chính quyền Obama, khi Ngoại trưởng lúc đó, John Kerry, đã phải đi lại như con thoi giữa hai bên vào năm 2013 và 2014 trước khi bỏ cuộc trong thất vọng. Đó là một nhiệm vụ mà ngay cả khi đó, một số trợ lý của Tổng thống Barack Obama vẫn coi là viển vông.
Dưới thời Tổng thống Donald J. Trump, nước Mỹ đã chuyển hướng từ giải quyết vấn đề Palestine sang bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Chiến lược đó phù hợp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đang liên minh với các đối tác cánh hữu, vốn công khai coi thường ý tưởng về một nhà nước Palestine. Bản thân ông Netanyahu từng dao động giữa việc nói rằng ông sẽ sẵn sàng xem xét một quốc gia Palestine với quyền lực an ninh hạn chế và quan điểm phản đối thẳng thắn
Jason Greenblatt (từng là đặc phái viên Trung Đông thời cựu Tổng thống Trump) cho biết: “Một trong những vấn đề lớn nhất với cụm từ 'giải pháp hai nhà nước' là nó không giải quyết được các mối đe dọa thực sự chống lại Israel hiện đang tồn tại và có thể sẽ tiếp tục tồn tại, trong một số bộ phận nhất định của xã hội Palestine và các nơi khác”.
Ông Greenblatt nói rằng cách tiếp cận hòa bình của chính quyền Trump nhấn mạnh nhu cầu an ninh của Israel. Hiệp định Abraham, thỏa thuận do ông Trump làm trung gian, theo đó Israel bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain vào năm 2020, đã ngăn cản kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập 30% Bờ Tây. Nhưng nó lại gạt mục tiêu của một nhà nước Palestine sang một bên.
Dù trung thành với giấc mơ hai nhà nước, chính quyền Biden về cơ bản đã áp dụng kế hoạch chi tiết của người tiền nhiệm Trump. Họ đã cố gắng trung gian một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, một phần thưởng thậm chí còn lớn hơn đối với Israel so với các tiểu vương quốc Vùng Vịnh, do Saudi Arabia có vị thế là nước tiên phong của thế giới Arab.
Những cuộc đàm phán đó đã bị đình trệ do cuộc chiến Israel - Hamas. Nhưng nếu Israel có thể hồi sinh chúng, điều đó có thể đặt giải pháp hai nhà nước trở lại bàn đàm phán. Saudi Arabia đã nói với Ngoại trưởng Blinken rằng họ muốn có các bước hướng tới việc đưa một nhà nước Palestine trở thành một phần của bất kỳ hiệp định bình thường hóa nào với Israel.
Tương lai khó khăn
Các nước Arab cũng có thể sẽ thúc đẩy việc giải quyết vấn đề Palestine như một điều kiện để đóng vai trò ổn định và tái thiết Gaza thời hậu chiến. Việc loại bỏ triển vọng thành lập một nhà nước Palestine có thể trấn an Ai Cập và Jordan, những quốc gia đang lo lắng trước viễn cảnh có hàng triệu người tị nạn từ Gaza.
Nhưng ông Ghaith Al-Omari, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, nhận định rằng, khả năng đạt được tiến bộ với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine hiện tại là không tồn tại. Liên minh cầm quyền của ông Netanyahu bao gồm các đối tác theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn sáp nhập Bờ Tây, nơi mà Israel đã chiếm đóng từ năm 1967 và được họ gọi bằng tên trong Kinh thánh là Judea và Samaria.
Bên phía Palestine, các nhà phân tích cho biết, Tổng thống của Chính quyền Palestine, Mahmoud Abbas, 87 tuổi, đã mất tính hợp pháp với người dân của mình, đặc biệt là sau khi ông hủy bỏ cuộc bầu cử vào năm 2021.
Các nhà sử học ngoại giao muốn chỉ ra rằng nhà lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Yasir Arafat, đã tiến rất gần đến một thỏa thuận với Israel do Tổng thống Bill Clinton làm trung gian vào năm 2000, nhưng rồi lại bỏ đi. Và đó là trước khi hàng trăm ngàn người định cư mới đến định cư khắp Bờ Tây.
Các cuộc đụng độ bạo lực giữa người Israel và Palestine đã cắt đứt ảnh hưởng của cả hai bên đối với các nỗ lực hòa bình sau này. Các chuyên gia cho biết tính chất man rợ của các cuộc tấn công mà Hamas tiến hành và sự đáp trả khốc liệt của quân đội Israel ở Gaza, khiến cuộc tranh luận sắp tới ở Israel trở nên đặc biệt khó khăn.
Dennis B. Ross, nhà đàm phán hòa bình dưới thời ông Clinton và ông Obama, cho biết: “Sẽ có hai bên trong cuộc tranh luận đó. Những gì Hamas cho thấy là việc có một nhà nước Palestine ở cạnh chúng ta là quá nguy hiểm vì nó có thể bị các nhóm như Hamas thống trị. Lập luận đối lập sẽ là, một khi chúng ta đánh bại Hamas, chúng ta không thể đóng băng tình hình với người Palestine theo các điều kiện của chúng ta một cách vô thời hạn.”
Ông Omari, người từng cố vấn cho các nhà đàm phán Palestine, đưa ra một lý do ít tính toán hơn cho việc tái xuất hiện giải pháp hai nhà nước. Ông nói: “Điều này tương tự như vụ 11/9 ở chỗ mọi người đều biết điều gì đó to lớn đã xảy ra và sẽ có những thay đổi, nhưng không ai biết những thay đổi đó sẽ là gì".