Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hoạt động chính thức trên Con đường Phát triển Iraq trị giá 17 tỷ USD sẽ khởi động một cách nghiêm túc trong những tháng tới, sau khi Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ký thỏa thuận sơ bộ vào tháng trước.
Kể từ năm ngoái, dư luận quốc tế đã đổ dồn sự chú tới tới hành lang Iraq, đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi hành lang Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu do Mỹ hậu thuẫn được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 9/2023.
Tuy nhiên, ông Kristian Coates Ulrichsen, thành viên Trung Đông tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice ở Mỹ, nhận định: “Cuộc chiến Israel – Hamas đã khiến sự kết nối chặng phía đông Địa Trung Hải của hành lang này trở thành ‘câu hỏi hóc búa’”.
Cuộc xung đột này cũng khiến các tàu đi qua Biển Đỏ dễ bị tấn công bởi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, dẫn đến mối quan tâm mới về các tuyến đường bộ thay thế như Con đường Phát triển của Iraq.
Ông Rich Outzen, cựu nhà hoạch định chính sách cấp cao tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận sự thành công của Con đường Phát triển Iraq còn phụ thuộc vào sự cải thiện rõ rệt mối quan hệ Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã “căng thẳng trong thập kỷ qua”.
Cuộc chiến pháp lý quốc tế về việc xuất khẩu dầu qua đường ống từ khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq sang Thổ Nhĩ Kỳ đã làm xói mòn mối quan hệ giữa hai nước.
Trong nghiên cứu được xuất bản hôm 2/5 bởi Trung tâm Atlantic, tổ chức nghiên cứu ở Washington, ông Outzen cho biết hai nước cũng đã tranh cãi về các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các chiến binh đảng Công nhân người Kurd trên đất Iraq.
Tuy nhiên, tình hình hỗn loạn ở Trung Đông đang ngày càng mở rộng hơn do cuộc chiến Israel – Hamas. Ngoài ra, ông Outzen cho rằng “xung đột ngày càng lan rộng giữa Israel và Iran đã khiến các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq nhận ra việc cần thiết phải bảo vệ lợi ích và củng cố sự ổn định thông qua hợp tác khu vực”.
Cuối tháng 4, thỏa thuận sơ bộ về Con đường Phát triển Iraq đã được ký kết trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Iraq sau 12 năm.
Các thỏa thuận khác đạt được trong chuyến thăm của ông Erdogan bao gồm: phát triển cơ sở xử lý hàng hóa AD Ports có trụ sở tại Abu Dhabi và khu vực tự do kinh tế tại Cảng al-Faw Grand mới của Iraq. Năm cầu cảng đầu tiên dự kiến sẽ được Tập đoàn Daewoo E&C của Hàn Quốc hoàn thành vào cuối năm nay, theo hợp đồng trị giá 2,62 tỷ USD vào tháng 1/2021.
Từ al-Faw, Con đường Phát triển Iraq sẽ chạy dài 1.200 km về phía bắc tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Baghdad ước tính dự án này có thể tạo ra doanh thu 4 tỷ USD hàng năm và tạo ra hơn 100.000 việc làm.
Iraq là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai ở Opec sau Saudi Arabia, nhưng nước này phụ thuộc vào dầu mỏ với hơn 90% doanh thu, với xuất khẩu dầu chiếm 55% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của đất nước.
Trong khi đó, Trung Quốc là nước mua dầu hàng đầu của Iraq, nhập khẩu 1,18 triệu thùng dầu/ngày từ Iraq vào năm ngoái và chiếm 35% tổng sản lượng của Iraq.
Các công ty năng lượng Trung Quốc cũng có dấu ấn lớn ở Iraq, với khoản đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào các dự án sản xuất dầu và sản xuất điện trong 15 năm qua. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa cho biết liệu họ có kế hoạch trở thành đối tác trên Con đường Phát triển Iraq hay không.
Iraq phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt cho đến khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ trong cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003. Sau đó, nước này lại bị lôi kéo vào một cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Mỹ và chiến dịch khủng bố do chi nhánh al-Qaeda thực hiện.
Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani hy vọng Con đường Phát triển Iraq sẽ khơi dậy sự tái thiết nền kinh tế đất nước sau 40 năm xung đột. Thỏa thuận sơ bộ về sáng kiến này đã được đưa ra ngay sau khi ông Al-Sudani trở thành nhà lãnh đạo Iraq đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ năm 2003. Các nhà phân tích cho rằng Washington đã khuyến khích các quốc gia vùng Vịnh ủng hộ dự án này.
“Mỹ có lợi khi Iraq phát triển sự ổn định về kinh tế và chính trị, điều từ lâu đã bị phủ nhận trong thời kỳ hậu Saddam”, ông Ulrichsen nói.
Vài năm trở lại đây, các nước láng giềng Arab ở vùng Vịnh của Iraq cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư vào Iraq, trong bối cảnh địa chính trị Trung Đông đang có sự thay đổi rộng rãi hơn theo hướng xích lại gần nhau về mặt ngoại giao do sự không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Trong đó, UAE nổi lên với tư cách là nước đi đầu ở Iraq khi công bố kế hoạch đầu tư 3 tỷ USD vào tái thiết và các dự án khác vào năm 2021.
Tháng 4/2023, Qatar đã mua 25% cổ phần trong dự án trị giá 27 tỷ USD nhằm giành được và tiếp thị khí đốt của Iraq. Dự án này sẽ nâng cao vị thế của Qatar là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới.
Iraq không có khả năng khai thác loại khí này và phải dựa vào nhập khẩu qua đường ống từ Iran để đáp ứng 33 - 40% nhu cầu trong nước. Liên doanh khai thác khí đốt, do TotalEnergies của Pháp đứng đầu, là chìa khóa cho kế hoạch cắt giảm phụ thuộc vào Iran và biến khí đốt thành nguồn thu ngoại tệ lớn cho Iraq.
Các kế hoạch cho Con đường Phát triển Iraq cũng bao gồm việc xuất khẩu khí đốt Iraq sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tới châu Âu bằng một đường ống dọc theo con đường này.
Tuy nhiên, ông Yerevan Saeed, Giám đốc Sáng kiến người Kurd toàn cầu tại Đại học Mỹ ở Washington, cho rằng dự án này có thể gặp phải sự phản đối từ Iran, bị “đứng ngoài về mặt kinh tế” hoặc bị coi là mối đe dọa đối với ảnh hưởng của nó ở Iraq và khu vực.
Theo ông Saeed, Tehran có thể chịu tổn thất đáng kể từ dự án Con đường Phát triển Iraq đặc biệt nếu các dự án khí đốt thành công, bởi nước này sẽ mất thị trường khí đốt ở cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.