Ông Phan Ngọc Khanh, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 10) cho biết, từ thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh những năm gần đây có thể rút ra 10 dạng vi phạm chủ yếu dẫn đến các bản án bị hủy.
Đó là tòa án bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không giải quyết hết các yêu cầu của đương sự; thụ lý, giải quyết sai thẩm quyền; xác định sai quan hệ tranh chấp; không tống đạt thông báo thụ lý bổ sung cho đương sự, không thực hiện các thủ tục luật định khi đương sự kháng cáo; không xác minh địa chỉ của đương sự để tống đạt chính xác dù xét xử vắng mặt bị đơn; không kiểm tra thời hạn ủy quyền đối với người đại diện đương sự; vẫn thụ lý giải quyết đối với đương sự không có quyền khởi kiện; bản án phát hành và bản án gốc có nội dung khác nhau; thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
Trong đó, tập trung nhiều ở vi phạm với lý do tòa cấp sơ thẩm bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thiếu sót này ở cấp sơ thẩm khiến cấp phúc thẩm không thể khắc phục được vì quyền lợi của những người liên quan nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng phải được xem xét tại hai cấp xét xử. Vi phạm này thường gặp ở các vụ án tranh chấp về thừa kế, về tài sản chung, có liên quan đến bất động sản...
Một dạng vi phạm chủ yếu dẫn đến các bản án, quyết định bị hủy nữa là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Thực tiễn xét xử có nhiều vụ tòa án chưa thực hiện đẩy đủ các biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết dẫn đến việc giải quyết chưa đảm bảo căn cứ thuyết phục. Những vi phạm chủ yếu trên lẽ ra phải được kiểm tra, phát hiện trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa, tuy nhiên kiểm sát viên không phát hiện được để yêu cầu tòa án khắc phục.
Tại hội nghị, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 27 vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động để làm ví dụ cụ thể cho từng dạng vi phạm chủ yếu dẫn đến các bản án, quyết định bị hủy để các kiểm sát viên của các phòng nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố và kiểm sát viên của Viện Kiểm sát thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện nghiên cứu, thảo luận.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đánh giá cao nội dung hội nghị đã bám sát Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2022 số 58/KH-VKS-VP ngày 14/1/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng, tự đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo hướng sát với thực tiễn. Viện Kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện tổ chức họp rút kinh nghiệm kịp thời khi có thông báo rút kinh nghiệm của Viện Kiểm sát cấp trên; khi xảy ra trường hợp tòa án cấp trên tuyên hủy, sửa án có tránh nhiệm của cấp sơ thẩm mà Viện Kiểm sát cấp sơ thẩm không có kháng nghị.
Ông Đỗ Mạnh Bổng cũng đề nghị các phòng chức năng có liên quan của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố phối hợp với các đơn vị nghiên cứu hệ thống hóa, tập hợp các văn bản hướng dẫn dưới luật của các ngành liên quan và văn bản hướng dẫn của ngành trong lĩnh vực dân sự - hành chính theo hướng thuận tiện cho việc tra cứu, từ đó đối chiếu, áp dụng cho đúng.