Các cơ sở này gồm: Bãi chôn lấp chất thải rắn tại thôn 3, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột (diện tích 22ha); bãi chôn lấp chất thải rắn Tổ dân phố 4, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar (diện tích 5,6ha); kho thuốc bảo vệ thực vật tổ dân phố 2, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột; điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật thôn 7 và 11, xã Cư Ni, huyện Ea Kar; điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar và thôn 2 xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông.
Rác và nước thải từ bãi chôn lấp rác thải rắn TP. Buôn Ma Thuột tràn ra khu vực lân cận. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn |
Theo lộ trình, kho thuốc bảo vệ thực vật tổ dân phố 2, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng của cả nước cần được cấp bách xử lý trong các năm 2003-2004. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí (cần 30 tỷ để xử lý) đến nay cơ sở vẫn chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư nghiêm trọng.
Đối với bãi chôn lấp chất thải rắn thôn 3, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột cần được xử lý ô nhiễm trong năm 2013; bãi chôn lấp chất chất thải rắn tổ dân phố 4, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar lộ trình xử lý trong giai đoạn 2013-2018. Riêng 3 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê 720 (huyện Ea Kar) và huyện Krông Bông mới được phát hiện.
Việc xử lý các cơ sở chôn lấp chất thải rắn, điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh đòi hỏi công nghệ xử lý cao, kinh phí xử lý rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đưa 6 cơ sở ô nhiễm môi trường trên và Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016-2020.