Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, những năm gần đây, Chính phủ đã có chính sách ân hạn nộp thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp. Nhưng chính sách ưu đãi này đang bị không ít đối tượng trục lợi, trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng...
“Mất tích” để trốn nợ thuế
Tháng 8/2004, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Gia Long, địa chỉ số 101 tổ 22 phường Trung Liệt, Hà Nội, mở 3 tờ khai nhập khẩu từ Trung Quốc cho 3 lô hàng vải để sản xuất quần áo. Trị giá 3 lô hàng là 272.961 USD, tổng số thuế nhập khẩu mà công ty này phải nộp là 2,371 tỷ đồng.
Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN |
Với chính sách ân hạn nộp thuế, Công ty Gia Long được lùi thời hạn nộp thuế nhập khẩu đến 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai nhập hàng về Việt Nam. Thế nhưng sau một năm, Công ty TNHH Gia Long vẫn không chấp hành, mặc Chi cục cơ quan Hải quan Bắc Nội Bài, thuộc Cục Hải quan Hà Nội, áp dụng các biện pháp đốc thu. Sau một thời gian dài trì hoãn, khất lần khoản nợ, Công ty TNHH Gia Long đột nhiên… mất tích khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh trên.
Nói về trường hợp trốn thuế của Công ty TNHH Gia Long, đại diện Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội cho biết, cơ quan hải quan đã nhiều lần gửi giấy mời công ty này đến làm việc, nhưng doanh nghiệp vẫn không đến. Khi tiến hành xác minh tại địa chỉ Công ty TNHH Gia Long khai trên tờ khai hải quan thì doanh nghiệp đã không còn tại địa chỉ đó mà thay vào là biển hiệu của một công ty khác.
Trường hợp này chỉ là một trong số 10 trường hợp doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, gia công được hưởng chính sách ân hạn thuế mà phía Chi cục Hải quan Bắc Nội Bài khó có khả năng thu hồi số tiền thuế phải thu nộp ngân sách theo quy định.
“Sau khi Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng ân hạn nộp thuế nhập khẩu với thời hạn tối đa là 275 ngày, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, có nhiều doanh nghiệp vi phạm. Chúng tôi đang rất vất vả trong việc thu hồi gần 9 tỷ đồng nợ thuế của 10 doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Mà đó còn là chưa tính phạt chậm nộp. Ngoài ra, tính đến cuối năm 2011, địa bàn còn có 235 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn với số tiền lên tới 71,5 tỷ đồng. Năm nay có tiếp 206 doanh nghiệp nợ 13,4 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 23 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích với khoản nợ thuế là 13,3 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội cho biết.
Đáng lo ngại, số doanh nghiệp "mất tích", chây ì, trốn nợ ân hạn thuế ở Hà Nội không phải ít. Ngay sau khi Chính phủ có những chính sách thông thoáng để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, cơ chế này đã bị nhiều đối tượng trục lợi. Các đối tượng lập hẳn “quy trình”, thủ đoạn gian lận thuế hết sức tinh vi. Đó là, thành lập doanh nghiệp “ma” để nhập khẩu hàng hóa và được nợ thuế theo quy định, đến hạn nộp thuế, doanh nghiệp tìm mọi cách không thanh toán, sau đó “nhanh chân” bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc tự động giải thể. Tình trạng này đã gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách nhà nước.
Thất thu hàng trăm tỷ đồng
Thống kê của Cục Hải quan Hà Nội cho thấy, tính đến thời điểm 31/7/2012, tổng số nợ thuế quá hạn lên tới gần 869 tỷ đồng, riêng nợ thuế chuyên thu xấp xỉ 600 tỷ đồng. Trong tổng số nợ thuế trên, có hơn 50 tỷ đồng là nợ thuế của những trường hợp “bỏ trốn”, “mất tích”, không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, tạm ngừng hoạt động kinh doanh. “Nhiều đối tượng đã lợi dụng ân hạn nộp thuế nhập khẩu để chây ì, bỏ trốn, tự giải thể… đã làm phát sinh tình trạng nợ đọng thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, cũng như gây khó khăn trong công tác thu thuế của cơ quan hải quan” - một lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội bức xúc nói.
Nhưng không riêng Cục Hải quan Hà Nội, Tổng cục Hải quan cũng đang "đau đầu" với vấn nạn doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn thuế. Bởi hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp được đánh giá là chấp hành tốt pháp luật hải quan và không nợ thuế - một trong 2 điều kiện theo quy định để được hưởng chính sách này - đã phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, có khoảng 20% số doanh nghiệp này thường xuyên chây ì và vi phạm các điều, khoản liên quan đến chấp hành nghĩa vụ thuế này. Số liệu của Tổng cục Hải quan đã cho thấy, tính đến ngày 30/9/2012, cả nước vẫn còn 5.784 lô hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, 961 hợp đồng gia công xuất khẩu thuộc diện doanh nghiệp chấp hành tốt vẫn chưa tiến hành thanh khoản với số tiền nợ thuế quá hạn là 1.497 tỷ đồng. Trong số đó, có khoảng 500 tỷ đồng đứng trước nguy cơ... mất hẳn.
“Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, họ không có hoặc có thì cũng quy định rất chặt chẽ cho chính sách ân hạn thuế nhập khẩu. Đơn cử, Mỹ, Thái Lan, Lào, Nhật Bản không cho phép nợ thuế nhập khẩu; còn Anh, Niu Dilân cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh hoặc cho nộp chậm với điều kiện có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế. Nếu chính sách quản lý thuế của chúng ta không sớm bổ sung, sửa đổi thì nguy cơ tiếp tục phải “gánh” hệ lụy từ tình trạng doanh nghiệp giải thể, bỏ trốn sau khi hưởng ân hạn thuế là rất rõ ràng” - bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
Anh Tùng