Cụ thể, 2 đối tượng là Lê Văn Toàn (sinh năm 1972, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nhận mức án 10 năm tù và Nguyễn Thị Dưa (sinh năm 1970, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nhận mức án 8 năm tù. Đây là mức án cao nhất từng được ghi nhận dành cho các đối tượng vi phạm liên quan đến rùa biển.
Trước đó, ngày 30/4/2018, lực lượng làm nhiệm vụ (thuộc Đồn Biên phòng Rạch Gốc) phát hiện chiếc ô tô tải đang chở 12 cá thể rùa biển, với trọng lượng khoảng 250kg. Đối tượng Lê Văn Toàn khai nhận đã “vô tình” bắt được 12 cá thể Vích khi đang thả lưới đánh bắt hải sản ngoài khơi. Khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, toàn bộ các cá thể rùa biển này đều đã chết, không còn nội tạng và đông lạnh để chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Tháng 2/2020, Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiền đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt mỗi đối tượng 3 năm tù giam. Ngay sau đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã gửi kiến nghị xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, hành vi của hai đối tượng để kiến nghị kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm, tăng nặng hình phạt tù răn đe với các đối tượng.
Vích (Chelonia mydas) là loài động vật hoang dã thuộc lớp bò sát được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP – cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ cá thể, sản phẩm, bộ phận không thể tách rời sự sống của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân.