Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, cho biết nếu người dân không chủ động nâng cao ý thức, có giải pháp phòng ngừa hiệu quả thì sự cố cháy nổ vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù là mùa mưa hay mùa khô.
Đáng chú ý, mùa mưa tại TP Hồ Chí Minh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao hơn, bởi ngoài yếu tố nước mưa rò rỉ vào các mối điện bị hở, làm dây điện bị oxy hóa dẫn đến chập điện gây cháy nổ hoặc cây xanh trên đường phố, các công viên, khuôn viên trường học, bệnh viện… không được tỉa nhánh, chặt những cành khô, khi có gió to, mưa lớn sẽ ngã đổ đè đứt hệ thống dây điện gây chạm chập, dẫn đến nổ, cháy… Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dự trữ các vật liệu dễ cháy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao bởi có nhiều loại hóa chất khi bị ẩm, tiếp xúc với nước sẽ gây ra phản ứng gây nổ, phát sinh lửa gây cháy…
Hiện trường vụ cháy phòng giáo án của một trường học tại quận 7 vào ngày 25/7. Ảnh: Lê Anh |
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, để ngăn chặn cháy nổ xảy ra trong mùa mưa năm 2017, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý các yếu tố có nguy cơ cháy nổ như: Chặt bỏ những cành cây xanh khô, nhỏ trên đường, trong công viên; kiểm tra lại hệ thống điện chiếu sáng công cộng, lưới điện sinh hoạt… Mặt khác, đơn vị cũng bố trí cán bộ chuyên trách phối hợp cùng với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến từng khu phố, nhà dân để người dân nâng cao kiến thức, ý thức trong phòng ngừa cháy nổ.
“Dù là mùa mưa nhưng cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, đơn vị cần dự trữ nguồn nước, không được chủ quan về nguồn nước chữa cháy bởi sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài ra, mùa mưa, diện tích sinh hoạt cũng bị thu hẹp, người dân thường tận dụng tối đa để đồ đạc trong nhà, trong khi đó những nơi này cũng được sử dụng nấu ăn nên người dân cần tránh để đồ đạc gần các nơi có phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt”, Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết thêm.