Cụ thể, qua kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Ngân Sơn phát hiện việc san ủi, mở đường qua đất rừng thuộc thôn Ma Nòn, xã thượng Quan và thôn Phiêng Dượng, xã Đức Vân với chiều dài hơn 2.450m, rộng 3 m với diện tích gần 7.370m2. Trong đó, san ủi, mở đường qua thôn Ma Nòn, xã Thượng Quan (chủ quản lý là UBND xã Thượng Quan) với chiều dài hơn 1.000m, rộng 3 m, diện tích hơn 3.100m2 đi qua rừng sản xuất, rừng khoanh nuôi tái sinh; san ủi, mở đường qua thôn Phiêng Dượng, xã Đức Vân (chủ quản lý là Lâm trường Ngân Sơn) với chiều dài hơn 1.100m, rộng 3m, diện tích gần 4.260m2 đi qua rừng sản xuất (rừng tự nhiên). Tại thời điểm kiểm tra không xác định được số lượng, khối lượng của lâm sản thiệt hại do quá trình san ủi mở đường đã vùi lấp dấu vết.
Dọc theo tuyến đường san ủi trái pháp luật có khai thác gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật, theo kiểm tra đã đo đếm được 367 cây gỗ nhóm IV đến nhóm VIII bị chặt hạ, một số gỗ đã vận chuyển ra khỏi rừng, số lượng gỗ còn lại tại hiện trường còn gần 73m3. Trong đó, khu vực rừng thôn Ma Nòn có 237 cây bị chặt, khối lượng gỗ còn lại hơn 45m3; rừng khu vực thôn Phiêng Dượng có 130 cây bị chặt, khối lượng gỗ còn lại hơn 26m3.
Theo Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn, việc san ủi, mở đường qua rừng tự nhiên là hành vi phá rừng trái pháp luật; chặt hạ cây gỗ là hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Thời điểm san ủi, mở đường và khai thác rừng trái pháp luật vào khoảng tháng 8/2020, hiện vẫn chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. Đối chiếu với nghị định 3/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp thì vụ việc trên có dấu hiệu hình sự. Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn đã báo cáo cấp trên, phối hợp lực lượng công an khẩn trương truy tìm thủ phạm thực hiện hành vi vi trái pháp luật nói trên.