Bài học sau cơn lốc tín dụng đen

Suốt những ngày qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội luôn cập nhật thông tin về tình hình tín dụng đen trên địa bàn, cũng như tập trung các biện pháp nghiệp vụ để củng cố hồ sơ, sớm đưa những vụ án đã khởi tố ra truy tố, xét xử. Cũng từ những vụ vỡ nợ, nhiều bài học bổ ích được rút ra giúp người dân tỉnh táo hơn trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật cũng đề ra được những biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm theo hình thức tín dụng đen.

Điều tra án vỡ nợ, thuận lợi và khó khăn

Chủ động nắm tình hình, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc gây mất ANTT từ nguyên nhân do vỡ nợ; lập hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý đối tượng có hành vi phạm tội theo pháp luật; ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra - đó là những biện pháp khẩn cấp mà Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã trước tình trạng cơn lốc tín dụng đen xảy ra tại Hà Nội những ngày vừa qua.

Theo sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội, Ban giám đốc Công an TP Hà Nội, tính đến thời điểm này, cơ quan CSĐT đã khởi tố hình sự 4 vụ vỡ nợ xảy ra tại Đan Phượng, Hà Đông, Phú Xuyên và Cầu Giấy. Thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Tạ Việt Quang, chủ nợ ở Đan Phượng. 14 xe ôtô đã bị tạm giữ niêm phong, kê biên 4 ngôi nhà, yêu cầu cơ quan chức năng ngừng việc thực hiện sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu với 2 ngôi nhà, 3 thửa đất của các chủ nợ. Với chủ nợ Nguyễn Thị Cúc ở Phú Xuyên, ngày 24/10, Cúc đã ra đầu thú.

Còn Phạm Thị Chinh ở Cầu Giấy, ngày 27/10, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã Chinh để phục vụ công tác điều tra theo đúng tiến độ, đáp ứng đòi hỏi của tình hình.

Trao đổi với các điều tra viên trực tiếp điều tra những vụ vỡ nợ trên, chúng tôi được biết, việc điều tra những vụ án này gặp khá nhiều thuận lợi. Vì đây là những vụ án dư luận đặc biệt quan tâm nên được các cấp, các ngành chỉ đạo sâu sát từng ngày, kịp thời đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm kết thúc vụ án trong thời gian sớm nhất. Với các bị hại, từ những vụ án này, họ đã tỉnh táo hơn, nhận rõ thủ đoạn của bọn lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm và có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong việc trình báo, khai báo và cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Thị Chinh.



Suốt những ngày qua, Ban giám đốc Công an TP Hà Nội và cơ quan CSĐT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị trấn, thị xã tiến hành các biện pháp phòng ngừa, thu thập chứng cứ, tăng cường lực lượng cho các đơn vị đang thụ lý án để tập trung giải quyết theo đúng yêu cầu đã đặt ra.

Cùng với những thuận lợi trên, một số khó khăn cũng được đặt ra trong quá trình điều tra. Đó là việc một số bị hại vì những lý do nhất định mà không trình báo với cơ quan Công an dẫn đến việc chưa đánh giá hết tính chất, mức độ cũng như bản chất vụ án. Trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng cũng chưa có sự thống nhất khi đánh giá chứng cứ hay quan điểm định tội. Như vụ vỡ nợ tại quận Hà Đông. Hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Dậu là rõ ràng khi chiếm đoạt của 52 cá nhân với số tiền 46,703 tỷ đồng, 10.000 USD và 31,7 cây vàng rồi sử dụng sai mục đích đã cam kết. Việc Dậu chiếm đoạt tài sản nhưng không thể trốn được vì bị nhiều người dân "túc trực" quanh nhà đòi nợ. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam với Dậu nhưng VKSND quận Hà Đông không phê chuẩn những quyết định này vì cho rằng, Dậu không bỏ trốn nên chưa có dấu hiệu của tội lừa đảo (?).

Một khó khăn nữa cũng phải đề cập tới. Đó là những tài sản trong những vụ vỡ nợ thường rất lớn. Trước khi bỏ trốn, các con nợ bằng mọi cách đã tẩu tán hoặc che giấu, gây khó khăn cho công tác điều tra. Như vụ Phạm Thị Chinh, tháng 10 Chinh bỏ trốn nhưng trước đó, Chinh đã bán gấp ngôi nhà được 7 tỷ đồng cho Công ty CP Đại Dương. Mặt khác, khi khám xét khẩn cấp nhà Chinh, cơ quan CSĐT thu được một số giấy tờ liên quan đến việc gửi tiền vào ngân hàng của Chinh. Trong quá trình điều tra, toàn bộ số tiền này sẽ yêu cầu ngân hàng xuất trả để khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Hay như Nguyễn Thị Dậu ở Hà Đông. Mặc dù bị "giam lỏng" trong nhà, nhưng Dậu đã kịp làm giấy chuyển nhượng nhà cho người khác... Tất cả những việc làm này của các con nợ cho thấy, thủ đoạn của chúng rất tinh vi và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đến cùng trước và trong khi hành vi phạm tội bị phát giác.

Bên cạnh đó cũng phải nói tới một khó khăn nữa, đó là các bị hại do xót của đã tự ý xiết nợ, khuân vác tài sản của con nợ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và Công an cấp cơ sở cần có những biện pháp tích cực để ngăn chặn.

Những bài học bổ ích

Những vụ vỡ nợ liên tục xảy ra tại nhiều địa bàn thời gian qua cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần củng cố lại hệ thống tín dụng ngân hàng, cải tiến các phương thức hoạt động tín dụng để người cho vay và cả người vay thấy mọi việc trở nên đơn giản, thuận lợi. Hàng trăm, rồi hàng nghìn tỷ đồng bị các con nợ chiếm đoạt chứng tỏ số tiền nhàn rỗi trong dân là rất lớn. Người dân nhiều khi nể nang, tin nhau cho vay tiền, nhưng rồi chính họ lại trở thành bị hại khi những kẻ bất lương dùng mọi thủ đoạn để lừa phỉnh, dụ dỗ với chiêu lãi suất cao. Vì vậy, ngân hàng không huy động được nguồn vốn này để phục vụ những mục đích xã hội, còn người dân thì bị mất tiền do kẻ xấu chiếm đoạt.

Sau khi người dân bị mất trắng cơ nghiệp, chúng ta mới ngộ ra một điều rất đơn giản, đó là sự hiểu biết pháp luật của một số người còn rất hạn chế. Chính vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân là một việc làm vô cùng cần thiết. Khi đã có hiểu biết, người dân sẽ biết đầu tư đồng vốn vào những hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, an toàn. Mặt khác, họ sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu bởi chính họ sẽ hiểu, việc kiếm tiền dễ dàng luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro.

Cũng từ những vụ vỡ nợ, một bài học nữa cũng vô cùng bổ ích về phía các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như các cấp chính quyền địa phương về công tác nắm tình hình. Hoạt động tín dụng đen diễn ra âm thầm tại các khu dân cư trong một thời gian dài, mặc dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật và khả năng vỡ nợ là một quy luật tất yếu, khi các chủ nợ sử dụng đồng vốn không đúng mục đích, song tất cả đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Để rồi, những hậu quả từ cơn lốc này sẽ còn kéo theo biết bao hệ lụy khác mà phải mất rất nhiều thời gian, cuộc sống của những bị hại mới đi vào ổn định. Những bài học nhãn tiền này tuy không mới, song vẫn giữ nguyên giá trị và luôn nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác, tỉnh táo trước khi tham gia các giao dịch về tài sản để không tự biến mình thành nạn nhân của những kẻ phạm tội



Theo cand

Cảnh giác với tín dụng "đen"
Cảnh giác với tín dụng "đen"

Trước hàng loạt các vụ vỡ nợ xảy ra vừa qua trên địa bàn, UBND Tp. Hà Nội đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh thành phố, Công an thành phố cùng UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan hữu quan tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thận trọng với hoạt động huy động vốn bất hợp pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN