Từ nhiều năm qua, tình trạng phá rừng trái phép tại địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận diễn biến khá phức tạp. Qua nhiều đợt kiểm tra, truy quét, nhưng đến nay, tình trạng trên chưa chấm dứt, nhiều cây gỗ quý vẫn ngày đêm bị chặt hạ.
Tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh được khoanh vùng với địa bàn các huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) và Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình (Bình Thuận), “nóng” nhất về khai thác lâm sản trái phép hiện nay là khu vực giáp ranh giữa xã Tam Bố (Di Linh) và xã Phan Sơn (Bắc Bình), chủ yếu thuộc lâm phần do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Tam Hiệp (Di Linh) quản lý.
Để khai thác gỗ trái phép, các đối tượng phá rừng thường tổ chức thành từng nhóm, theo đường mòn từ huyện Đức Trọng xâm nhập vào các tiểu khu có gỗ quý. Ngoài hoạt động có tổ chức, các nhóm này còn trang bị nhiều phương tiện chuyên dụng, có cả dao mã tấu và loại xe được cải tiến gọi là xe “độ” rất đặc biệt để chở gỗ ra khỏi rừng. Đây là loại xe giống với công nông đầu ngang nhưng có thêm dây tời, bánh xích để có thể vận chuyển gỗ trong rừng sâu, vượt đường dốc mà ngay cả xe của cán bộ kiểm lâm cũng chịu thua.
Các nhóm "lâm tặc" cũng ngày càng liều lĩnh, công khai và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Văn Tập, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, cho biết, đã có lần lực lượng kiểm lâm phát hiện và thu giữ một xe cải tiến chở gỗ của "lâm tặc" tại tiểu khu 702 thuộc xã Tam Bố. Khi đoàn cơ quan chức năng đưa xe tang vật ra gần đến bìa rừng thì có khoảng 100 người; trong đó, có cả đối tượng “xã hội đen” đến ngăn chặn, giật súng của kiểm lâm và liều lĩnh cướp xe chở gỗ bỏ chạy.
Trong các chuyến kiểm tra của Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp cũng nhiều lần gặp phải sự chống trả của "lâm tặc". Thậm chí chúng còn đe dọa, trả thù nhân viên công ty sau vài ngày thực hiện các đợt truy quét, tịch thu gỗ khai thác trái phép.
Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện hàng chục đợt truy quét, tịch thu nhiều phương tiện, dụng cụ của "lâm tặc" và hàng chục khối gỗ lậu. Tuy nhiên, một thực tế là tình trạng phá rừng giáp ranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trước tình hình phức tạp tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, chính quyền Lâm Đồng và Bình Thuận đã xây dựng một trạm bảo vệ rừng tại xã Tà Năng (huyện Đức Trọng). Tới đây, Lâm Đồng cũng xây dựng thêm một trạm tại khu vực K’Tường (huyện Di Linh), hiện là điểm “nóng” phá rừng, nhằm mục tiêu ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng tại vùng giáp ranh.
Nguyễn Dũng