Bình Định: Khó khăn trong việc giải quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng trồng

Mặc dù được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định giao trồng rừng phục hồi trên diện tích đất trống, đất nương rẫy cũ bỏ hoang với 26 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, nhưng khi triển khai thực hiện, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Sông Kôn (Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn) lại để người dân phá, lấn chiếm gần 15 ha.

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích rừng phòng hộ giáp ranh với rừng trồng của người dân tại huyện Vĩnh Thạnh có nguy cơ bị phá hoại, lấn chiếm. 

Điều đáng nói, sự việc kéo dài nhiều năm nhưng Công ty không lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Việc xử lý đối tượng vi phạm cũng như giải quyết dứt điểm tình trạng này gặp nhiều khó khăn.

Tại Tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), phóng viên ghi nhận nơi đây có hàng chục cây keo lai do Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn trồng từ năm 2014. Tuy nhiên, ở mỗi thân cây đều có tình trạng bị cạo tróc lớp vỏ bên ngoài. Một số cây khác xảy ra tình trạng bị đốt, đào, chặt nhánh, ngã đổ. Xen kẽ giữa những cây keo lai là cây sắn được trồng với mật độ dày, phát triển khá tốt.

Theo ông Hồ Văn Hể - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, Tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn là một trong 6 tiểu khu trên địa bàn huyện được Công ty tiến hành trồng cây keo lai, sao đen trên diện tích đất trống, đất nương rẫy cũ bỏ hoang để phục hồi rừng theo chủ trương và kinh phí đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh vào năm 2014, tổng diện tích 26 ha. Tuy nhiên, sau khi cây keo lai phát triển, một số người dân sinh sống xung quanh Tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn đã cạo lớp vỏ để tiêm thuốc vào trong thân cây khiến cây chết dần sau 1-2 năm rồi lấn chiếm trồng xen cây sắn. Sự việc này xảy ra tương tự tại các tiểu khu khác một thời gian dài.

Chú thích ảnh
Người dân sinh sống, canh tác gần đất rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn. 

Qua kiểm tra vào cuối năm 2021, Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn xác định, trong 26 ha trồng rừng phục hồi, có 14,86 ha bị người dân phá, chiếm đất và trồng xen cây hằng năm, có hộ dân lấn chiếm, hầu hết là đồng bào Ba Na. Trong 14,86 ha đất rừng trồng bị lấn chiếm, Công ty chuyển giao lại cho Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Sơn quản lý 5,7 ha. Như vậy, hiện Công ty chịu trách nhiệm đối với trên 9,16 ha đất rừng trồng bị phá, lấn chiếm.

Ông Hồ Văn Hể cho biết, trong quá trình trồng rừng phục hồi, có những vị trí gần với nương rẫy của người dân nên đã bị lấn chiếm. Cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn kịp thời phát hiện sự việc nhưng không lập biên bản báo cáo với cấp có thẩm quyền. Sai sót này đã được Công ty chấn chỉnh, yêu cầu kiểm điểm cán bộ quản lý địa bàn.

Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn đã trồng lại 9,5 ha tại những vị trí khác để bù vào diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm. Công ty đang tích cực phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương để thu hồi lại 9,16 ha, đồng thời xác định cụ thể đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Hồ Văn Hể thông tin thêm: Đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán, thói quen là sử dụng gỗ để làm nhà hay canh tác, sản xuất trên nương rẫy đã tác động rất lớn đến công tác bảo vệ rừng. Việc đốt phá, xâm hại cây rừng trồng được thực hiện một cách tinh vi, việc trồng xen cây hằng năm được thực hiện lén lút nên lực lượng chức năng khó phát hiện, bắt quả tang. Một số diện tích rừng trồng manh mún, xung quanh là đất canh tác của người dân nên khó quản lý, bảo vệ.

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trong thời gian qua có xảy ra tình trạng người dân lén lút chặt phá, đốt cháy dần cây rừng hoặc dùng hình thức “ken cây”, tức là đục khoét, cạo lớp vỏ cây rồi tiêm thuốc vào thân cho cây chết dần, sau đó trồng xen cây hằng năm trên diện tích đất đó.

Chú thích ảnh
Một gốc cây keo lai tại tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) bị cao trọc vỏ và tiêm thuốc dẫn đến chết cây. 

Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi phá hoại, lấn chiếm đất rừng trồng; kiểm tra, phát hiện đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, vì người vi phạm là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Người dân không thực hiện việc nộp phạt. Cơ quan chức năng không sử dụng được các biện pháp cưỡng chế do người dân không có tài sản.

Khu vực đất rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn cũng như đất rừng trồng do Nhà nước quản lý tại huyện Vĩnh Thạnh hiện nay chủ yếu nằm gần rừng sản xuất, canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân không lấn chiếm, phá rừng. Đồng thời, huyện yêu cầu các đơn vị chủ rừng phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất rừng, phá hoại cây rừng ngay từ ban đầu, ông Lê Minh Thông cho biết thêm.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan tới vụ việc trên. Thanh tra tỉnh làm rõ đối tượng vi phạm, vị trí, diện tích để có cơ sở thu hồi theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Sẽ cưỡng chế gần 100 hộ dân lấn chiếm đất rừng khu vực Quốc lộ 28 đoạn qua huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông
Sẽ cưỡng chế gần 100 hộ dân lấn chiếm đất rừng khu vực Quốc lộ 28 đoạn qua huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông

Chiều 2/6, UBND huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất rừng trái phép khu vực Quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN