Dù nằm sát khu dân cư và quốc lộ 20 nhưng mỏ đá Tây Đại Lào (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn được cấp phép khai thác và nổ mìn phá đá khiến hàng trăm hộ dân phải sống trong thấp thỏm lo âu.
Nhà nứt, đá rơi
Mỏ đá Tây Đại Lào được tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Công ty cổ phần khoáng sản xây dựng Tân Uyên Fico khai thác vào tháng 10/2010 và được cấp phép nổ mìn phá đá vào tháng 1/2011. Trung bình khoảng một tháng, mỏ đá lại tiến hành nổ mìn vào hai buổi trưa và tối khiến sinh hoạt của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng không nhỏ. Nghiêm trọng nhất là đợt nổ mìn vào cuối năm 2012 đã khiến người dân vô cùng bức xúc. Sức ép của đợt nổ mìn này khiến hàng chục nhà dân bị nứt tường, đá văng xa hàng trăm mét, làm thủng mái tôn, rơi vào vườn chè, cà phê của người dân.
Mỏ đá Tây Đại Lào chỉ cách khu dân cư khoảng 200 m. |
Anh Dương Quốc Tùng, chủ xưởng tranh thêu ở cách khu vực khai thác đá hơn 200 m, kể lại: “Hôm đó các công nhân trong xưởng đang làm việc bình thường thì bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn “uỳnh, uỳnh” khiến mặt đất rung chuyển và ngay sau đó lại thêm một tiếng nổ lớn tiếp theo. Lúc này hơn mười công nhân trong xưởng sợ hãi bỏ chạy ra ngoài, lúc chạy vào thì phát hiện có một hòn đá to đã xuyên thủng mái tôn, trần nhà và rơi xuống nền”.
Vết nứt trên tường nhà ông Phạm Hồng Hà, thôn 3, Đại Lào |
Sau vụ nổ, nhiều nhà dân gần khu vực mỏ đá cũng bị nứt tường, nứt nền nhà. Từ đó đến nay, các vết nứt cứ ngày một dài thêm khiến nhiều gia đình vô cùng lo lắng. Thậm chí, một số hộ còn rao bán nhà đất để chuyển đi nơi khác cho an toàn. Con gái ông Phạm Hồng Hà (thôn 3, xã Đại Lào) vừa mở khóa cổng đón chúng tôi, vừa nói: “Sau vụ nổ, nhà cháu xuất hiện rất nhiều vết nứt và ngày càng lan rộng khắp nhà nên bố mẹ cháu chuyển lên xã Lộc Châu thuê nhà ở và rao bán lại căn nhà này. Nhưng đến nay vẫn chưa ai dám hỏi mua”. Quan sát bên trong căn nhà của ông Hà, những vết nứt xuất hiện từ các cột nhà rồi kéo dài ra vách tường. Có nơi miệng vết nứt rộng khoảng 5 cm, có thể nhìn xuyên ra bên ngoài.
Tương tự, tại căn nhà ba tầng của bà Nguyễn Thị Lan (thôn 4, xã Đại Lào) cũng xuất hiện chi chít các vết nứt trên tường, nền nhà trong phòng khách, phòng ngủ… Bà Lan lo lắng cho biết: “Tôi thấy mỗi ngày vết nứt càng lan rộng nên đã rao bán nhà nhưng không ai dám hỏi mua. Nhà này tôi xây từ năm 2008 giờ bị như vậy cũng chưa biết tính sao trong khi hiện nay phía mỏ đá vẫn tiếp tục cho nổ mìn phá đá”.
Hỗ trợ chưa thỏa đáng
Theo thống kê của chính quyền địa phương, vụ nổ xảy ra đã khiến hơn 50 hộ dân bị ảnh hưởng. Trao đổi qua điện thoại, ông Lại Duy Thạo, Giám đốc chi nhánh Công ty Tân Uyên Fico tại Bảo Lộc giải thích: Sau vụ nổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân vào cuối năm 2012, công ty đã mời đơn vị giám định đến hiện trường và đã làm báo cáo gửi ngành chức năng địa phương nhưng nguyên nhân cụ thể của vụ nổ trên thì không thể trả lời.
Không chỉ nổ mìn gây bất an cho đời sống người dân, hoạt động khai thác đá ở Tây Đại Lào còn gây ra nhiều tác động đến môi trường và vườn tược của người dân nơi đây. Tại khu vực gần mỏ đá, nhiều diện tích chè, cà phê bị ảnh hưởng bởi bụi, đá rơi do nổ mìn. Anh Dương Quốc Tùng cho biết, do bị ảnh hưởng của quá trình khai thác đá, vườn chè và cà phê rộng 7.000 m2 của anh hiện bỏ không. “Tôi đã bỏ vườn để về nhà mở xưởng tranh thêu tay mà cũng không được yên ổn. Trong khi đó, việc đền bù, hỗ trợ của đơn vị khai thác đá lại chưa thỏa đáng khiến người dân rất bức xúc”.
Ông Phùng Ngọc Hạp, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho biết: Mỏ đá Tây Đại Lào do UBND tỉnh cấp phép khai thác và trong quá trình hoạt động đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện thành phố đã có văn bản yêu cầu mỏ đá tổ chức kiểm tra đền bù thiệt hại cho dân và chỉ đạo UBND xã tổ chức hòa giải cho đôi bên. Đồng thời, thành phố cũng đề nghị Sở Công Thương kiểm tra giấy phép nổ mìn của mỏ đá xem đã phù hợp chưa nhằm có biện pháp khắc phục, không để ảnh hưởng đến người dân như thời gian vừa qua.
Bài và ảnh: Nguyễn Dũng