Vườn quốc gia Phú Quốc nằm trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nhiều vụ vi phạm lâm nghiệp trên lâm phần.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng của Vườn quốc gia Phú Quốc tổ chức tuần tra phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 60 vụ, gần 100 đối tượng, với các hành vi như: lấn chiếm, phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; vi phạm những quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý, bảo vệ động vật rừng… Từ đó, xử phạt tiền hơn 1,3 tỷ đồng và tịch thu 58 cây rựa, dao, cưa các loại; nhiều đèn pin, dây bẫy động vật rừng; 141 khúc gỗ cây tròn; 1 xe kéo tự chế.
Vườn quốc gia Phú Quốc xử lý tiêu hủy 3 lán trại, 1 chòi tạm của đối tượng dựng trái phép trong rừng và hàng trăm cần bẫy động vật rừng, hàng trăm cọc rào bằng xi măng và cây tròn làm hàng rào dây kẽm gai, hàng nghìn cây trồng các loại trồng trái phép trên đất lâm phần.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng di dời 2 nhà tạm, nhà tiền chế, 9 trụ xi măng, 2.479 m dây kẽm gai, thu hồi 39 lóng cây tròn. Phát hiện 44 vụ vi phạm lấn chiếm đất Nhà nước quản lý bàn giao cho địa phương xử lý. Phối hợp các cơ quan tố tụng, chính quyền địa phương khám nghiệm hiện trường 14 vụ vi phạm lâm nghiệp có dấu hiệu hình sự tại địa bàn các xã Cửa Cạn, Hàm Ninh, Gành Dầu, Bãi Thơm.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, Vườn quốc gia Phú Quốc có nhiều đường giao thông xuyên qua rừng, dân cư sinh sống không thành cụm mà rải rác trong rừng. Kiểm lâm của Vườn phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, đơn vị hữu quan tổ chức nhiều cuộc tuần tra, truy quét, nhưng tình trạng chặt phá cây rừng và lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn ra.
Mặt khác, số dân di cư tự do không nghề nghiệp, chủ yếu sống dựa vào tài nguyên rừng, phá rừng làm rẫy, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm rừng, mua bán trái phép đất rừng diễn ra, gây khó khăn trong quản lý cũng như công tác xử lý vi phạm.”
Cùng với đó, nhiều dự án đang triển khai đầu tư trên địa bàn thu hút nhiều công nhân từ nơi khác đến dẫn đến việc lấn, chiếm đất rừng cất lều, trại tạm để ở nên việc quản lý lâm phần gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tại một số thời điểm, tình hình giá đất đảo Phú Quốc tăng đột biến kéo theo các đối tượng đầu tư, môi giới bất động sản và các đối tượng cơ hội từ nơi khác đến mua bán, xây dựng, lấn chiếm, chặt phá rừng, đất Nhà nước quản lý diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các đối tượng dùng đủ mọi thủ đoạn, hình thức để kiếm lợi nhuận, bất chấp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện xử lý nhiều lần. Nhiều vụ việc lấn, chiếm, phá rừng thực hiện có tổ chức, thuê mướn côn đồ, dân không có nghề nghiệp thực hiện các hành vi xâm hại rừng, bao chiếm đất rừng…
Vườn quốc gia Phú Quốc hiện đang tiếp tục tập trung thực hiện các phương án, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất vi phạm lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, vườn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cộng đồng xã hội, quần chúng nhân dân, nhất là các cụm dân cư sống gần rừng, ven rừng những quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, xử phạt vi phạm hành chính về lâm nghiệp… để nâng cao hơn nữa ý thức và sự tham gia của cộng đồng, dân cư địa phương vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô. Thực hiện tốt việc tố giác các đối tượng chặt phá, lấn chiếm, xâm hại tài nguyên rừng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.
Cùng với đó, vườn phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị hữu quan nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, chủ động nắm bắt các đối tượng chủ chốt về lấn chiếm, phá rừng, khai thác rừng trái phép để quản lý, có biện pháp răn đe, giáo dục, hỗ trợ tích cực Vườn quốc gia Phú Quốc trong ngăn chặn những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần.