Hiện nay, tình trạng khai thác đá ở các huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang ảnh hưởng tới an toàn của người dân tại các điểm mỏ. Mặc dù đã xảy ra vụ sập mỏ đá xóm Giác, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn làm 2 người chết nhưng hiện nay tình trạng nổ mìn khai thác, vận chuyển lộn xộn gây hư hỏng đường, ô nhiễm môi trường liên tục diễn ra gây bức xúc trong nhân dân.
“Đá bay”, nhà nứt… dân lo sợ
Có mặt tại điểm khai thác đá tại khu Minh Tân và khu xóm Đình, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Nhiều nhà dân bị nứt do các đơn vị khai thác nổ mìn phá đá; nhà cửa, vườn tược, cây cối thì bám đầy bụi đá, chưa kể vào giờ khai thác đá, tiếng máy nghiền đá gây tiếng ồn rất lớn.
Nhiều nhà bị vỡ kính do đá bay vào nhà. |
Ông Hoàng Ngọc Châm, khu xóm Đình, bức xúc: Nhà tôi cách mỏ đá của Công ty Trung Anh tới 700 m cũng bị đá bắn làm vỡ cả cửa kính. Mới đây nhất, trong khi nổ mìn khai thác đá, Công ty Trung Anh đã làm bắn một viên đá nặng tới 8 kg vào sân nhà bà Hà Thị Minh. Công an xã đã phải tới lập biên bản sự việc và đã có báo cáo kiến nghị với chủ mỏ về sự việc này.
Xóm Đình có khoảng 20 hộ dân nằm giữa hai mỏ đá của Công ty Thắng Lợi và Công ty TNHH Trung Anh. Nhiều năm nay, người dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nặng, tiếng ồn, khói bụi thường xuyên xảy ra. Anh Dư Quốc Tài, đội 8, cho biết: Không hiểu Công ty Trung Anh nổ mìn phá đá ở một lỗ hay là do nhồi nhiều thuốc, mà “cơn mưa đá cục” bay tứ tung sang nhà các hộ dân. Nhiều nhà bị nứt, vỡ cả tấm lợp phibrô ximăng, thậm chí đá bay vào tận cửa nhà, đe dọa đến cả tính mạng người dân.
Do quá bức xúc, người dân nhiều lần kéo lên mỏ đá và đã có kiến nghị với chính quyền về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, tiếng động, sự nguy hiểm mỗi khi hai mỏ nổ mìn... Tuy nhiên, những kiến nghị này dường như chưa được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe! Mỏ cứ khai thác, còn người dân xóm Đình và khu Tân Minh thì hàng ngày hứng chịu đủ thứ ô nhiễm, tiếng ồn và sự nguy hiểm...
Cần sớm xử lý những bất cập
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 24 mỏ đá đang hoạt động, tập trung nhiều nhất tại huyện Yên Lập và Thanh Sơn.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập, cho biết, do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ nên việc khai thác đá của các đơn vị, doanh nghiệp vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm hỏng hạ tầng cơ sở nông thôn. Huyện đã tiến hành kiểm tra tại 14 mỏ đá trên địa bàn huyện, trong đó có 6 mỏ đang hoạt động, 4 mỏ đang dừng hoạt động và 4 mỏ đã được cấp phép nhưng chưa đủ các điều kiện để hoạt động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ thừa nhận, trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung, khai thác đá nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, không đúng quy định, dẫn đến tình trạng sạt lở tầng tuyến, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động, nhất là tại các mỏ đá và mỏ khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Công tác quản lý của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, dẫn đến việc ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của của một số tổ chức, doanh nghiệp chưa nghiêm, không quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Từ đó, dẫn đến nhiều diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng, hàng chục km đường bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, quy hoạch tại nhiều địa phương, trong khi nguồn thu từ khai thác đá chẳng được là bao.
Về công tác bảo đảm an toàn kho chứa và khoảng cách an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết: Sau đợt kiểm tra tại 19 doanh nghiệp khai thác khoáng sản (chủ yếu khai thác đá) trên địa bàn tỉnh cho thấy, 10/19 đơn vị chưa lập lý lịch kho vật liệu nổ công nghiệp; 6/19 đơn vị không thực hiện đo kiểm tra điện trở nối đất định kỳ đối với hệ thống chống sét khoa chứa thuốc nổ; cả 19 kho thuốc nổ có khoảng cách không bảo đảm và 14/19 kho chưa sắp xếp thuốc nổ trong kho theo đúng quy định. Ngoài ra, về khai trường khai thác đá cũng có nhiều bất cập, hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá không chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ bản: Khai thác thủ công, cắt tầng nhỏ không theo thiết kế, không áp dụng cơ giới hóa và không tuân thủ đầy đủ quy trình quy phạm khai thác mỏ cần phải giải quyết…
Đến bao giờ thì nỗi lo... đá bay và tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếng nổ ở các mỏ đá trên địa tỉnh Phú Thọ chấm dứt? Câu hỏi này xin được gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ giải quyết, để người dân yên ổn sinh sống.
Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn