Việt Nam đang trở thành một trong những điểm trung chuyển và buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác lớn nhất thế giới.
Vi phạm ngày càng gia tăng
Trong vài năm trở lại đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, mua bán sừng tê giác trái phép, thu giữ gần 150 kg sừng tê giác. Theo thống kê của CITES (Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình săn bắn, buôn bán trái phép xuyên biên giới các loài động vật hoang dã ngày càng gia tăng, trong đó đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác và hổ (riêng tê giác, tốc độ săn bắn trái phép tăng rất nhanh, 6 tháng đầu năm 2013 đã có trên 600 con tê giác bị giết hại). “Việt Nam là nước bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác nhất thế giới, từ năm 2004 đến nay đã điều tra phát hiện, xử lý 20 vụ vận chuyển và buôn bán trái phép sừng tê giác với tổng số gần 150 kg, đồng thời cũng là nước bắt giữ ngà voi lớn nhất với trên 25 tấn”, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan quản lý CITES Việt Nam, cho biết.
Tang vật sừng tê giác bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát |
Những vụ vận chuyển, buôn bán sừng tê giác lớn tại Việt Nam có thể kể đến như vụ ngày 16/10/2011, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài đã phát hiện 1 đối tượng vận chuyển 3 kg sừng tê giác trái phép; vụ bắt giữ 2 đối tượng nhập cảnh từ Hong Kong vào Nội Bài vận chuyển 22 kg sừng tê giác ngày 26/2/2013. Đây cũng là vụ bắt giữ có khối lượng lớn nhất từ trước tới nay. Nửa đầu năm 2013, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ, khởi tố và điều tra 5 vụ vận chuyển buôn bán sừng tê giác…
Theo các quy định của CITES và pháp luật Việt Nam, nhiều loài động vật hoang dã có thể khai thác, gây nuôi, buôn bán và sử dụng một cách bền vững để góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc khai thác, gây nuôi, buôn bán và sử dụng phải được thực hiện, kiểm tra, giám sát đúng theo các quy định. “Việc buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật của các loài nguy cấp như sừng tê giác và ngà voi… ngày càng phức tạp, đã gây bức xúc đối với dư luận trong nước và quốc tế, đồng thời làm giảm uy tín và ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế”, đại diện CITES cho biết.
Cần mạnh tay
Bà Khương Thị Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ, khởi tố và điều tra 5 vụ vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, tất cả có số lượng lớn và nguồn gốc từ Nam Phi. “Việc xử lý những vụ án tại địa bàn trọng điểm khó khăn bởi chưa có văn bản qui định cụ thể thế nào là “số lượng lớn, rất lớn” hoặc “hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” nên rất khó khăn trong việc định khung hình phạt cho loại tội phạm này. Việt Nam chưa có các cơ quan chức năng giám định chuyên môn với các mẫu vật phẩm từ ngà voi và tê giác nên không biết cụ thể xuất xứ của các mẫu vật. Ngoài ra, do sừng tê giác và ngà voi là mặt hàng cấm, nên không có quy định về giá mà việc định giá khi xử lý vụ án lại là một trong những căn cứ quan trọng để định hình khung phạt”, bà Khương Thị Minh Hằng nói.
Theo bà Hằng, “Việt Nam cần tăng cường năng lực thực thi ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của các Công ước quốc tế, đảm bảo kỷ cương, pháp luật của Nhà nước trong việc kiểm soát buôn bán mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc danh mục của CITES, đặc biệt là đối với các loài voi, tê giác và hổ. Đồng thời có quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền giám định chuyên môn đối với các mẫu vật phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và sừng tê giác.
T.T