Một loạt các cuộc thanh tra về việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp đã được các cơ quan chức năng thực hiện trong thời gian qua. Đối tượng tập trung thanh tra lần này khá phong phú, gồm nhiều công ty, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù các cơ quan chức năng đã rất "ráo riết", nhưng tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Đoàn thanh tra kiểm tra tại một cửa hàng của doanh nghiệp Bách Khoa TP.HCM. Ảnh: CTV |
Sau các doanh nghiệp Sáng tạo, Pico và Viettel ở đợt thanh tra trước, hai công ty bán lẻ máy tính khác là TopCare và Bách Khoa cũng vừa bị thanh tra liên ngành phát hiện vi phạm luật sở hữu trí tuệ thông qua hình thức tải phần mềm lậu cho dòng máy Acer. Tại một cửa hàng của TopCare ở địa chỉ 335 Cầu Giấy, Hà Nội, đoàn thanh tra đã kiểm tra và phát hiện một máy Acer seri LXRTKOCO1413903ADC6600 chứa các chương trình phần mềm Microsoft không bản quyền bao gồm Windows 7 Ultimate và Microsoft Office Enterprise 2007.
Tại hai cửa hàng máy tính thuộc hệ thống của Bách Khoa tại 282-284 Huỳnh Tấn Phát (quận 7) và 247A Lý Thường Kiệt (quận 11) Thành phố Hồ Chí Minh, 3 chiếc máy tính Acer mới cũng bị phát hiện chứa các phần mềm lậu của Microsoft. Đội Quản lý thị trường cũng kiểm tra hai cửa hàng khác của hệ thống Bách Khoa. Tại cửa hàng số 1 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây (quận 12), đoàn thanh tra đã phát hiện 3 máy tính Acer cài đặt phần mềm không bản quyền, trong đó 2 máy cài phần mềm Windows 7 Enterprise, chiếc còn lại cài Windows 7 Ultimate. Còn ở cửa hàng số 105 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, đoàn thanh tra kiểm tra và phát hiện 2 chiếc máy tính Lenovo cài phần mềm Windows và Office không bản quyền với mục đích trưng bày, chứ không phải để bán.
Việc nhập máy tính “trống” và tự cài đặt phần mềm lậu để bán cho người tiêu dùng được coi là một hành động vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và các đơn vị, tổ chức vi phạm cần phải được xử lý nghiêm khắc.
"Đã đến lúc những công ty, hệ thống bán lẻ nên nhận thức rõ những việc họ đang làm và những hậu quả họ sẽ gánh chịu nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Chính phủ đang cố gắng xây dựng một môi trường CNTT lành mạnh và phát triển bền vững nhằm tạo ra một nền kinh tế vững mạnh hơn. Do vậy, những vấn đề liên quan đến bản quyền sẽ được thắt chặt hơn và xem là một trong những tiêu chí hàng đầu" - đại diện đoàn thanh tra cho biết. "Chiến dịch chống vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được tiến hành, do đó các doanh nghiệp khác nên xem đây như là bài học cho mình và xem xét việc sử dụng phần mềm có bản quyền để nhận được những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp của mình".
P.V