Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm 2012, tình hình buôn lậu trên tuyến đường biển diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, hiện tượng buôn lậu động vật hoang dã, nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo chất lượng còn phổ biến. Trong khi đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn vì phương tiện hạn chế, địa bàn hoạt động rộng. Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chủ tàu chở hàng lậu chống trả quyết liệt hoặc ném tang vật xuống biển để phi tang.
Khai báo hàng không đúng thực tế
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 9.147 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa là 179 tỷ 825 triệu đồng (tổng số vụ vi phạm tăng 45.1% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, tuyến đường biển được đối tượng buôn lậu lợi dụng triệt để. Kiểm tra thực tế cho thấy, các đối tượng chủ yếu khai báo sai số lượng hàng, thậm chí khai báo hàng không đúng thực tế.
Nhân viên Hải quan cảng Hải Phòng vận hành thiết bị quét hình ảnh để kiểm tra container tại Phòng điều khiển hệ thống. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN |
Cụ thể, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã phát hiện vụ 7 container theo khai báo là chân gà, cánh gà đông lạnh nhưng qua kiểm tra hàng còn có thêm nội tạng động vật là dạ dày, sách bò. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ 1 vụ container hàng theo khai báo là đậu nành.
Kết quả khám xét lô hàng, ngoài đậu nành còn phát hiện 66 khúc sừng động vật các loại, cân nặng 282kg (nghi là ngà voi), 2 kg vảy động vật (nghi là vảy tê tê) và 1 chùm lông động vật (nghi là lông đuôi voi)...
Bên cạnh đó, tình trạng xuất lậu than, khoáng sản vẫn tái diễn với nhiều thủ đoạn khác nhau. Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhiều đối tượng buôn lậu thu mua than từ các bến bãi, cảng nhỏ, lợi dụng hợp đồng vận chuyển nội địa cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, điện ở các tỉnh, thành phố khác, sau đó dùng tàu có trọng tải lớn tìm cách vận chuyển, xuất lậu sang Trung Quốc.
Nhiều đối tượng buôn lậu lợi dụng bất cập trong chính sách, quy trình như sự ưu đãi trong việc phân luồng hàng hóa (luồng xanh) miễn kiểm tra thực tế; lợi dụng hình thức chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận định mức nguyên phụ liệu… Tình trạng này thường xảy ra ở địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai... Đối tượng bị phát hiện thường là doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển khẩu, tạm nhập-tái xuất; doanh nghiệp thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm; thường xuyên hủy tờ khai xuất khẩu đã được phê duyệt, kiểm tra....
Cần các giải pháp đồng bộ
Theo đánh giá của các đơn vị Hải quan, phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận ngày càng tinh vi. Trong khi đó, trang thiết bị của lực lượng chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Do điều kiện hệ thống cảng biển rộng lớn, công tác nắm thông tin quản lý các loại đối tượng trên khu vực cửa khẩu còn nhiều khó khăn trong khi hoạt động của đối tượng buôn lậu được nối dài từ tỉnh này đến tỉnh khác.
Không những thế, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi với hồ sơ, chứng từ được chuẩn bị sẵn nhằm hợp thức hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ. Một số trường hợp buôn lậu xăng dầu móc nối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa tàu, xà lan ra vùng biển xa để chuyển tải và nhanh chóng hợp thức hóa giấy tờ khi bị phát hiện.
Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) vừa phát hiện và bắt giữ một vụ buôn lậu số lượng lớn ngà voi. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN |
Trước thực tế trên, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, cho rằng, giải pháp trước mắt, từng đơn vị cần tranh thủ sự lãnh đạo của địa phương nắm quy hoạch phát triển chung, khu vực dự kiến xây dựng cảng biển quốc tế để chủ động trong công tác quản lý. Hiện nay, đề án nâng cao tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của ngành Hải quan đã được thông qua.
Theo đó, ngành sẽ có một khoản kinh phí nhất định dành cho việc mua sắm trang thiết bị tuần tra, kiểm soát trên biển. Bên cạnh đó, nhiều Cục Hải quan địa phương cho rằng, Bộ Tài Chính cần có văn bản quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa cơ quan Hải quan với cơ quan cảng vụ, các hãng tàu để thống nhất cách thức khai báo thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng phải khai rõ tên hàng, tên địa chỉ của người gửi hàng, tên địa chỉ của người nhận hàng. Hàng hóa lưu giữ trong cảng phải được phân loại theo tính chất hàng hóa và phân biệt riêng từng khu vực: Khu vực lưu giữ hàng quá cảnh, hàng trung chuyển, khu vực lưu giữ hàng xuất khẩu, khu vực lưu giữ hàng tạm nhập, tái xuất...
Để tăng cường hoạt động chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu các Cục Hải quan địa phương căn cứ vào tình hình thực tế địa bàn quản lý, từng đơn vị, xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, các đơn vị tập trung vào đấu tranh với hoạt động buôn lậu vàng, ngoại tệ, xăng dầu, động vật hoang dã (ngà voi, tê giác, tê tê), than, khoáng sản, văn hóa phẩm độc hại, gia cầm, sản phẩm gia cầm… Ngoài ra, các Cục Hải quan địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu vàng, ngoại tệ, xăng dầu, than, khoáng sản, ma túy, vũ khí…
Hải Yến