Cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua các trang mạng

Ngày 16/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù Công an thành phố đã đưa ra nhiều khuyến cáo, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã có nhiều tin, bài phản ánh về thủ đoạn này, nhưng nhiều người dân vẫn nhẹ dạ, cả tin "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo.

Điển hình, vào ngày 8/5, anh Đ (sinh năm 1982, trú tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn. Do có nhu cầu nên anh Đ đã đồng ý làm thủ tục vay và đóng 6 triệu đồng để được làm hợp đồng. Tuy nhiên, các đối tượng thông báo anh gửi sai tài khoản nên phải gửi lại.

Sau khi gửi lại, các đối tượng thông báo phải chuyển tiếp 9 triệu đồng để làm bảo hiểm hợp đồng. Chờ mãi không thấy giải ngân, anh Đ lại nhận được yêu cầu phải đóng thêm tiền lãi hằng tháng. Anh Đ đã chuyển tổng số 300 triệu đồng nhưng chưa được giải ngân khoản vay. Lúc này, anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước tình trạng trên, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền; những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.

Người vay tiền cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: Kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục vay.

Người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…) khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng; không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ; nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Thắng (TTXVN)
5 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo deepfake
5 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo deepfake

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng sử dụng cuộc gọi deepfake (dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung, tạo ra đoạn video giả người thân, bạn bè) để lừa đảo. Do đó, Cục An toàn thông tin đã đưa ra 5 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi kiểu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN