Cần làm rõ Dự án Cáp treo Vũng Tàu có chiếm dụng, sử dụng trái phép đất công

Ngày 18/10, TTXVN đã có Bài viết "Dự án Cáp treo Vũng Tàu "nuốt" di tích lịch sử Quốc gia" phản ánh Di tích lịch sử Angten Parabol Viba nằm trong khuôn viên Dự án cáp treo trên đỉnh Núi Lớn với diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực 1 là 3.061m2 (khu vực theo Luật Di sản văn hóa xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng) nhưng đã bị chủ đầu tư xây đè các công trình lên khoảng 90% diện tích. 

Hiện angten còn lại (1 angten bị bão quật đổ năm 2006) đã bị hạ mất phần ngọn và bị các công trình của Dự án cáp treo vây kín xung quanh. Trong đó, mặt hướng về trung tâm thành phố Vũng Tàu bị khách sạn Hồ Mây 4 cao 4 tầng chắn trước mặt nên nhìn từ xa chỉ còn thấy một ít phần trên nhô lên. Điều đáng nói là tại Quyết định 692/QĐ.UB ngày 7/3/2005 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu biệt thự cao cấp Đồi Mây - Núi Lớn, tổ hợp 4 khách sạn Hồ Mây 1, 2, 3, 4 không hề hiện hữu tại vị trí này.

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu đang tiến hành san gạt, làm mặt bằng 2 khu đất khác dù chưa được cấp phép. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Tiếp tục tìm hiểu Dự án cáp treo Vũng Tàu, phóng viên phát hiện thêm những dấu hiệu vi phạm về đất đai rất cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý.

Ngày 10/9/1999, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Quyết định số 4663/QĐ-UB về việc thu hồi 1.955,5 m2 đất tại Núi Lớn và giao toàn bộ diện tích trên cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đầu tư xây dựng công trình: Tháp angten và Trạm phát hình, phát sóng FM. Theo các bản đồ thể hiện, vị trí khu đất này nằm giáp với Di tích lịch sử cấp quốc gia Angten Parabol Viba trên đỉnh Núi Lớn. Tại bản vẽ thể hiện vị trí các công trình trong Quy hoạch chi tiết 1/500 cũng cho thấy rõ khu đất tháp angten trên. Vị trí khu đất này có một mặt giáp với sườn Núi Lớn hướng vào trung tâm thành phố Vũng Tàu và các mặt còn lại bao quanh bởi Dự án cáp treo Vũng Tàu. 

Trong các năm 2012-2013, việc xây dựng Tháp angten Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh được khởi động với yêu cầu xây dựng Tháp angten phải đảm bảo tính thẩm mỹ để trở thành một biểu tượng đẹp cho thành phố Vũng Tàu. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, thiết kế, có ý kiến đề nghị Đài hoán đổi vị trí đặt Tháp angten sang khu vực sát với Trạm ra đa Cảng vụ (khu vực quy hoạch biệt thự cao cấp Đồi Mây). Đã có một vài cuộc khảo sát, cuộc họp, công văn qua lại giữa các cơ quan chức năng, thành phố Vũng Tàu và chủ dự án cáp treo Vũng Tàu để giải quyết nhưng sau đó vụ việc rơi vào im lặng mà chưa có kết quả cuối cùng. 

Mới đây, bà Trần Ngọc Thân, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tháp angten và Trạm phát hình, phát sóng FM trên Núi Lớn đã không còn cần thiết, nên ngày 19/9/2019, Đài đã có công văn số 503/PTTH-TCHC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đề nghị loại bỏ Tháp angten ra khỏi danh mục đầu tư công.

Theo các quyết định giao đất, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Dự án cáp treo Vũng Tàu, đến nay, chủ đầu tư được cấp 99.918,5 m2 (xấp xỉ 10 ha) đất trên đỉnh Núi Lớn, trong tổng số 441.000 m2 của dự án tổng ban đầu (riêng phần trên Núi Lớn), đến nay chưa có quyết định nào thể hiện việc giao khu đất trên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho Dự án cáp treo Vũng Tàu. 

Tại văn bản số 47/CV.VCCT.2019 ngày 17/9/2019 của Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu về việc kiến nghị giải quyết các thủ tục về đất đai cho Công ty cũng thừa nhận, tổng diện tích đất đã cấp sổ đỏ và được tỉnh cho thuê trên Núi Lớn là 10 ha. 

Nhưng, qua kiểm tra thực tế tại dự án, khu đất dành cho xây dựng tháp angten hiện đã hoàn toàn mất dấu và thay vào đó là các công trình của dự án cáp treo.

Cũng theo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu trên đỉnh Núi Lớn, toàn bộ diện tích đất này đều nằm về một bên của con đường Viba (đường Viba dài khoảng 10 km, xuất phát từ đường Lê Lợi chạy lên đỉnh Núi Lớn, đi xuyên qua dự án Cáp treo dọc theo triền núi và nối vào hẻm 444 đường Trần Phú). Cụ thể, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 54 ngày 23/8/2007 diện tích 19.655,6 m2 (diện tích đất quốc phòng trả lại cho tỉnh) tiếp giáp dọc theo con đường Viba thì tại Trích đo Bản đồ địa chính khu đất ký hiệu: TH 49.VT.06/BĐ.ĐC tỉ lệ 1/1.000 thể hiện rõ khu đất chỉ tiếp giáp với con đường chứ không trùm qua đường. Các khu đất còn lại không tiếp giáp với đường Viba.

Phía bên còn lại của con đường thuộc khu vực quy hoạch Khu biệt thự cao cấp Đồi Mây (thể hiện tại Quyết định 692/QĐ.UB ngày 7/3/2005 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu biệt thự cao cấp Đồi Mây - Núi Lớn). Theo Quyết định 6/QĐ-UBND ngày 12/2/2007 điều chỉnh điều 1 của Quyết định 3362/QĐ-UBND ngày 20/9/2005 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích thu hồi để đầu tư xây dựng Khu biệt thự cao cấp Đồi Mây trên đỉnh Núi Lớn (khu C) thuộc quy hoạch đợt 1 là 158.328,7 m2. Ngày 7/9/2006, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng thành phố Vũng Tàu đã tiến hành bàn giao mặt bằng, ranh giới diện tích 158.328,7m2 cho Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu để quản lý, chống lấn chiếm.

Dù tỉnh chưa ra quyết định giao đất, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tiến hành hợp đồng cho thuê đất, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với khu đất Biệt thự cao cấp Đồi Mây - Núi Lớn, không có quyết định nào giao đoạn đường Viba trên đỉnh Núi Lớn cho Công ty Cổ phần Cáp treo Vũng Tàu nhưng Công ty này đã cho xây cổng chặn 2 đầu đường dẫn lên đỉnh núi, đưa đoạn đường Viba trên đỉnh Núi Lớn nhập vào thành đường nội bộ phục vụ dự án. Việc chặn con đường dân sinh này khiến người dân không thể lưu thông qua lại, cán bộ đô thị, địa chính phường không thể nắm bắt tình hình xây dựng của Công ty trong dự án, đã gây bức xúc trong dư luận, cán bộ địa phương suốt nhiều năm qua. 

Không chỉ là con đường dân sinh, đường Viba rộng trung bình 5 m và mạn bên hẻm 444 Trần Phú rộng trung bình 4 m đã được thảm bê tông nhựa và bê tông xi măng còn có công năng là đường cứu hỏa, quân sự rất quan trọng (trên đỉnh núi đang có một số đơn vị quân đội đóng quân). Vì vậy, Công ty Cổ phần Cáp treo Vũng Tàu ngang nhiên chặn đường đang là câu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng ở tỉnh. Bên cạnh đó, tuyến đường đi xuyên qua không gian xanh hoang sơ của rừng cảnh quan Núi Lớn, hút vào tầm mắt là biển xanh, toàn cảnh thành phố Vũng Tàu, vịnh Gành Rái, bến cảng, làng chài Sao Mai Bến Đình, thông tới di tích lịch sử trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi. Tuyến đường là một sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách cũng như cả người dân Vũng Tàu, khó có sản phẩm du lịch nào xứng bằng.  

Xây được cổng chặn hai đầu vào dự án, Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu đã "thoải mái" xây dựng một số công trình trên đất chưa được giao (thuộc Khu biệt thự cao cấp Đồi Mây-Núi Lớn) để kinh doanh kiếm lời trong suốt nhiều năm qua. Kết luận thanh tra số 8192/KL-UBND ngày 22/11/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ rõ 4 công trình xây dựng trên đất chưa có quyết định giao đất, gồm: Cụm nhà nghỉ Đồi Mây (4 công trình, diện tích khoảng 2.000 m2), Nhà ga xe trượt và đường ray trượt, Tượng phật Di lặc và động Phật tích, phần hạ tầng phía Bắc của đường Viba trên đỉnh núi. 

Quá nhiều sai phạm bị phơi bày sau Kết luận thanh tra của tỉnh, bị dư luận phản ứng, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cũng đã chất vấn kịch liệt tại kỳ họp HĐND tỉnh thời điểm đó và một số cán bộ bị xử lý kỷ luật cũng không làm chủ đầu tư Dự án Cáp treo Vũng Tàu "bận tâm". Tại báo cáo số 103/BC-ĐKTr ngày 23/5/2017 của Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Sở Xây dựng làm Trưởng đoàn tiếp tục phát hiện Công ty này đã xây mới thêm 6 công trình đều không có giấy phép xây dựng và phần lớn nằm tại khu C-khu Biệt thự cao cấp Đồi Mây - Núi Lớn là khu chủ đầu tư chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chưa dừng lại, đầu tháng 10/2019, Công ty này còn tự ý san gạt 2 khu đất tại Khu biệt thự cao cấp Đồi Mây - Núi Lớn để xây biệt thự; trong đó, 1 khu được đo vẽ xác định rộng 8.300 m2 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ngoài ra, trên đất được tỉnh giao để triển khai dự án, Công ty này cũng đã tiến hành xây dựng các công trình chưa được cơ quan chức năng cấp phép, thậm chí không có trong quy hoạch, sai vị trí. 

Sai phạm liên tiếp, có tính hệ thống và kéo dài, có những sai phạm đã được chỉ rõ, có sai phạm thấy rõ, nhưng chủ đầu tư dự án Cáp treo Vũng Tàu vẫn tiếp tục vi phạm như thách thức cơ quan chức năng, khiến người dân bức xúc!.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Vé cáp treo giảm một nửa, không nên bỏ qua những trải nghiệm tuyệt đỉnh ở Fansipan
Vé cáp treo giảm một nửa, không nên bỏ qua những trải nghiệm tuyệt đỉnh ở Fansipan

Không có lý do nào hợp lý hơn để đi Fansipan lúc này, khi giá vé cáp treo giảm tới 50%, và có vô số những trải nghiệm đặc biệt chỉ mùa đầu đông mới được tận thấy ở “Điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN